Tại sao Việt Nam không phá giá tiền đồng?

24/11/2024
Theo nhà điều hành, khi nền kinh tế có độ mở lớn, phá giá tiền đồng quá sâu không hỗ trợ cho xuất khẩu mà thậm chí phản tác dụng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong họp báo sáng nay (1/10) khẳng định không thể lấy tỷ giá làm công cụ để đẩy xuất khẩu, mà cần tính tổng thể đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô.

"Tỷ giá phải tính trên bài toán tổng thể giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai, làm sao cho hợp lý và đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia, đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường. Có ý kiến cho rằng cần phá giá vì xuất khẩu chậm lại. Nhưng Việt Nam không thể lấy tỷ giá làm công cụ chỉ thúc đẩy xuất khẩu vì nhập khẩu cũng là vấn đề cần lưu tâm. Đó là lý do vì sao Ngân hàng Nhà nước quyết định không phá giá", Phó thống đốc cho biết.

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú.

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú.

Trong bối cảnh nhiều nước hạ giá đồng nội tệ để hạn chế sự ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, tiền đồng từ đầu năm đến nay gần như không biến động. Trong khu vực ASEAN, chỉ có tiền của Việt Nam và Thái Lan là đứng yên hoặc tăng giá so với USD, trong bối cảnh nhân dân tệ (CNY) giảm liên tục và chạm gần ngưỡng 7,2.

Đây là hiện tượng "rất hiếm khi xảy ra do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc", theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá tiền đồng mạnh hơn, song cơ quan thống kê và các chuyên gia cũng đồng tình với Ngân hàng Nhà nước rằng, việc phá giá sẽ không mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê trong họp báo cuối tháng 9 cũng khẳng định phá giá VND thậm chí còn tác động ngược khi hàng hóa xuất khẩu có độ co giãn thấp về giá.

"Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc phân khúc giá thấp, ít có sự co giãn. Trước đây bán 1 USD, giờ bán 90 cent không có nghĩa khách hàng sẽ mua hàng của Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, nhập khẩu về nguyên liệu đầu vào ở mức cao. Phá giá nếu không cân nhắc kỹ, nhiều trường hợp sẽ tác động ngược đến mục đích ban đầu", ông Lâm nói.

Nhắc đến cấu trúc của nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng chính sách tỷ giá của Việt Nam nếu phá giá có thể không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, với giá trị xuất khẩu cao nhưng nhập khẩu cũng rất nhiều. "Hạ giá tiền đồng sẽ không tạo động lực quá lớn bởi sẽ ảnh hưởng cả khía cạnh nhập khẩu", TS Cấn Văn Lực cho biết.

Nói về quyết định giảm lãi suất điều hành giữa tháng 9, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định, động thái này nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế đang ổn định, tạo điều kiện tăng cường đẩy mạnh đầu tư. "Từ việc giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ để điều chỉnh lãi suất cho vay", Phó Thống đốc nói. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó trong điều hành chính sách tiền tệ, phải làm sao để có thể hài hòa giữa lợi ích của người cho vay và người đi vay, giữa lạm phát và đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. 

Với vấn đề cao tốc Bắc – Nam khi mời thầu trong nước có thể dùng vốn tín dụng, Phó thống đốc cho rằng đây là trách nhiệm chính trị cao nhưng phải cân nhắc cẩn thận. "Vốn đầu tư của các dự án này không phải vài tỷ, vài chục tỷ mà có thể vài trăm, vài nghìn tỷ đồng, ví thế cần căn cứ vào chỉ số an toàn của từng ngân hàng, các điều kiện về quy mô vay không quá 15% vốn tự có hay các hệ số về an toàn vốn. Vì vậy nên cần tính toán cẩn thận", ông Tú nói.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến ngày 24/9 tăng 8,64% so với cuối năm 2018, ưu tiên vào sản xuất, kinh doanh và kiểm soát với các lĩnh vực rủi ro. Cơ quan điều hành cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn giữ ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tính tăng 8,58% so với cuối năm trước, nằm trong định hướng điều hành tăng khoảng 13%.

Minh Sơn

Nguồn: