Covid-19 đang khiến bánh xe kinh tế của Việt Nam lăn chậm lại. Để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng lên tới 250.000 tỷ đồng hồi đầu tháng 3.
Tuy nhiên trên thực tế việc tiếp cận vốn hiện gặp rất nhiều khó khăn. Với một lĩnh vực liên quan đến nhu cầu cơ bản của con người như nông nghiệp, dù vẫn tăng trưởng trong bão Covid-19, thì câu chuyện cũng không ngoại lệ.
Theo ông chủ một tập đoàn top đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây, rau củ quả, khẳng định rằng, với nhiều doanh nghiệp sản xuất - trong đó có đơn vị của ông, câu chuyện khó nhất là tiền, còn đầu ra, đầu vào hiện vẫn rất tốt.
"Nghe thông tin về nguồn vốn 250.000 tỷ, chúng tôi rất mừng vì đơn hàng có, nguyên liệu có, giá nguyên liệu lại đang rẻ. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề với ngân hàng thì họ nói chưa có thông tư hướng dẫn, họ nói phải cẩn thận, phải thẩm định đã. Hiện nay số vốn ấy vẫn nằm ở đâu đó, còn doanh nghiệp chưa tiếp cận được", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods chia sẻ tại tại hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) - với chủ đề "Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh" diễn ra sáng 2/4.
Ông Hùng cũng cho biết quý 1 vừa qua, Nafoods tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng khi ông đề xuất được giãn nợ sang tháng 6, các ngân hàng đều từ chối.
"Khi chúng tôi đề xuất các ngân hàng đều nói ‘nếu anh giãn nợ, gia hạn nợ thì vô hình trung anh trở thành nợ xấu rồi, tốt nhất anh phải cố gắng đừng có kêu’. Một doanh nghiệp như Nafoods đang gặp tình trạng ấy thì làm sao doanh nghiệp khác có thể vượt qua được", ông Hùng cảm thán.
Chủ tịch Nafoods tiết lộ, ông biết nhiều doanh nghiệp đã phải vay nóng với lãi suất cao để tiếp tục hoạt động, 1 triệu đồng phải trả tới 3.000-5.000/ngày.
"Tôi thường nói Covid-19 thì lan nhanh nhưng chính sách về vốn thì vô cùng chậm, đó là điều rất buồn".
Giải thích về vấn đề này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng thời khủng hoảng, tiền mặt là vua và tất nhiên doanh nghiệp nào cũng cần tiền. Nhưng ở góc độ tổ chức tài chính như ngân hàng, họ không biết cấp vốn cho ai thời điểm này vì cấp cho ai cũng nguy hiểm. Những doanh nghiệp được chọn cấp vốn không chỉ gặp khó khăn mà còn phải có điều kiện thuận lợi để phát triển.
"Tôi tin ngân hàng đang bí, không biết đưa nguồn vốn về đâu vì lo ngại vấn đề an toàn. Nông nghiệp là lĩnh vực có thể hấp thụ nguồn vốn đó".
"Vì vậy hiệp hội sẽ làm việc với một số ngân hàng thân thiện, giải thích cho họ rõ để hỗ trợ vốn. Tôi sẽ lập ban và làm việc với các ngân hàng thân thiết để làm việc này. Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo", ông Bình giải thích.
Ông Bình cũng cho biết trong thời điểm hiện tại, bên cạnh việc trông đợi nguồn vốn, các doanh nghiệp nên triển khai tái cấu trúc, đẩy mạnh các công nghệ số như thanh toán điện tử, thương mại điện tử, truy suất nguồn gốc,... để có thể biến nguy thành cơ giữa bão Covid-19.
Nguồn: