Tăng trưởng tín dụng nhích đáng kể qua một tuần

23/11/2024
Chỉ trong một tuần, tín dụng toàn hệ thống đã tăng thêm 0,31 điểm phần trăm.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (29/9) cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Cụ thể, tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%), đều là những mức tăng khá; tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).

Trước đó, theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16/9/2020, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019. Như vậy, chỉ trong một tuần, tín dụng toàn hệ thống đã tăng thêm 0,31 điểm phần trăm.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân làm mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7%-4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0%-7,1%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực phổ biến ở mức 5,0%/năm.

Đối với thị trường bảo hiểm , doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2020 tăng 12%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Trong 8 tháng năm 2020, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 110,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3%; tổng giá trị tài sản trong lĩnh vực bảo hiểm đạt 525,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9%; tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành bảo hiểm đạt 422,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%; quỹ dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 338,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%.

Nguồn: