Đầu tháng 7/2019, Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ FWD của tỷ phú Hồng Kông Richard Li đã công bố mua lại mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thuộc Ngân hàng thương mại Siam Thái Lan với số tiền theo thỏa thuận là 92,7 tỷ Baht Thái (tương đương 3 tỷ đô la Mỹ), đánh dấu sự mở rộng không ngừng của tập đoàn này tại Châu Á.
Thương vụ chuyển nhượng này được xem là giao dịch lớn nhất về tổng giá trị trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ từ trước đến nay tại khu vực Đông Nam Á, mà theo mô tả của cả 2 bên, hợp tác này sẽ mở ra cơ hội để Ngân hàng Siam phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đột phá và khác biệt của FWD đến khách hàng của mình tại Thái Lan trong thời gian 15 năm.
Ông Vichit Suraphongchai, Chủ tịch Ngân hàng Siam, nhấn mạnh: "Ngân hàng Siam có 16 triệu khách hàng trên tổng số 69 triệu dân Thái Lan. Chúng tôi tìm kiếm đối tác bảo hiểm lâu dài, uy tín để phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng lên tầm cao mới. Rất khó để tìm được một đối tác đáp ứng tất cả các yêu cầu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm thấy FWD."
Thương vụ mua mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Ngân hàng Siam là thương vụ mua lại thứ 9 của tập đoàn FWD chỉ trong vòng 6 năm, và là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Thái Lan trong thời gian gần đây. Ngoài số tiền thỏa thuận 3 tỷ đô la Mỹ, Ngân hàng Siam sẽ nhận các khoản thanh toán bổ sung thường lệ trong giao dịch bancassurance trong thời gian hai bên hợp tác.
Ông Arthid Nanthawithaya, Tổng giám đốc và Chủ tịch ủy ban điều hành tại Ngân hàng Siam cho biết: "Việc thiết lập quan hệ đối tác với FWD sẽ giúp tạo ra giá trị dài hạn cho khách hàng, cổ đông, nhân viên và các bên liên quan, và cùng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho FWD và ngân hàng Siam. FWD là công ty bảo hiểm hàng đầu trong khu vực, với chiến lược đặt trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm, có sức mạnh công nghệ vượt trội và đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, họ sẽ cùng chúng tôi tạo nên sự tăng trưởng dài hạn cho ngành bảo hiểm nhân thọ ở Thái Lan".
Khi được hỏi liệu FWD có chi số tiền quá cao cho thương vụ này hay không, ông Huỳnh Thanh Phong – Tổng Giám đốc Tập đoàn FWD cho biết Đông Nam Á là thị trường tăng trưởng mạnh trong tương lai tại Châu Á, mà trong đó, Thái Lan sẽ là thị trường quan trọng bên cạnh Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Tập đoàn FWD được thành lập sau khi mua lại mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và hưu trí của tập đoàn ING tại Hồng Kông, Macau và Thái Lan với số tiền thỏa thuận 2,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2013. Thông qua một số thương vụ chuyển nhượng và thành lập kinh doanh tại Malaysia, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, tập đoàn FWD đã trở thành tập đoàn bảo hiểm bề thế tại Châu Á.
Tập đoàn FWD cũng đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều ngân hàng lớn tại Châu Á như tại Philippines là Security Bank Corporation, tại Malaysia là HSBC và tại Indonesia là Commonwealth of Australia, tại Hồng Kông là ICBC (Industrial and Commercial Bank of China). Ông Peter Leung, Phó Tổng Giám đốc của ICBC (Châu Á) cho biết: "Thỏa thuận này mở ra một chương mới cho hoạt động kinh doanh bancassurance của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tận dụng các thế mạnh của hai bên và hợp tác chặt chẽ để mang đến các sản phẩm đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ của khách hàng".
Tại Việt Nam, sau khi mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam vào năm 2016, FWD đã nhanh chóng ký kết với 2 ngân hàng là An Bình Bank và Nam A Bank nhằm triển khai mô hình bancassurace. Bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Nam A Bank nhận định: "FWD, với vị thế tài chính vững mạnh, bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm tại Châu Á đã được lựa chọn làm đối tác của chúng tôi".
Trước giao dịch tỷ đô với Ngân hàng Siam Thái Lan vài ngày, Tập đoàn FWD cũng đã công bố đạt được thỏa thuận mua lại MetLife Hồng Kông. Nếu tạm tính, thỏa thuận với MetLife có giá trị khoảng 400 triệu đô la Mỹ. Bà Rebecca Tadikonda, Giám đốc Chiến lược Phát triển Thị Trường của Metlife tại Châu Á nhận xét: "Tập đoàn FWD có vị thế vững mạnh để thúc đẩy sự tăng trưởng của Metlife Hồng Kông; đồng thời những cam kết phát triển kinh doanh của FWD phù hợp với khách hàng, nhân viên, đại lý và đối tác kinh doanh của chúng tôi".
FWD cũng đã đầu tư lớn cho nền tảng công nghệ, nhằm hướng đến việc mang trải nghiệm đến khách hàng tốt nhất. Với chiến lược mở rộng thị trường nhanh chóng, FWD khẳng định vị thế hoàn toàn có thể cạnh tranh cùng các tên tuổi lớn. Tập đoàn này cho biết một trong những lợi thế canh tranh của mình chính là sản phẩm đơn giản, dể hiểu được hậu thuẫn bởi công nghệ thông minh.
Nguồn: