Cụ thể theo ông Quốc Anh, cổ đông đã giao cho ngân hàng lợi nhuận trước thuế 11.750 tỷ đồng trong năm nay, đến thời điểm này ngân hàng đang có quyết tâm cao để làm tốt hơn so với dự định. Trong 3 tháng cuối năm, bên cạnh việc tăng tốc hoạt động, ngân hàng cũng sẽ tập trung để chuẩn bị cho kế hoạch 2020.
PV: Hồi đầu năm, ông từng đề cập rằng chính sách của Nhà nước năm nay có siết chặt hơn nên phải có những thay đổi để thích ứng, vậy những chính sách siết hơn ấy có tác động thế nào đến ngân hàng và các ông đã làm gì để thích ứng?
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh: Trước hết tôi khẳng định Nhà nước đưa ra những chính sách siết chặt hoạt động là đúng để bảo vệ hệ thống. Khi mình đã biết như vậy thì cũng sẽ biết những gì tốt, những gì cần để bảo vệ cho ngân hàng, trách nhiệm của mình là phải đi trước. Chẳng hạn như về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nếu Nhà nước giảm xuống 40% thì mình phải xuống 35% trước, khi giảm về 35% thì ngân hàng phải về 30%..., nếu nước đến chân mới nhảy thì không kịp nữa. Hoặc như mọi người quan tâm về hệ số cho vay đối với bất động sản tăng lên thì ngân hàng cũng phải chuẩn bị trước để chủ động giảm cho vay đối với nhóm này và không bị động về những thay đổi trong chính sách. Nói chung là chúng tôi đã lường trước và đi sớm hơn một bước.
Trong số các chính sách siết chặt hơn có phần liên quan đến trái phiếu, mà Techcombank lại là một thành viên tích cực trên thị trường này, xin hỏi ông việc NHNN cảnh báo rủi ro đầu tư trái phiếu có ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng không?
Thẳng thắn là có. Khi văn bản thông tư đó đưa ra thì ngân hàng cũng đã chuẩn bị rất kĩ từ trước đó để đảm bảo khi người dân có nhu cầu đầu tư thì ngân hàng giải quyết chuyện đó như thế nào. Ngân hàng phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp lớn thì phải chọn những đối tác như thế nào để đảm bảo được an toàn và minh bạch cho nhà đầu tư. Nói đúng ra thì nó có 2 chiều, một mặt phải bảo đảm cho những người đầu tư trái phiếu, mặt khác cũng phải chọn doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín để đảm bảo khả năng trả nợ.
Còn về lâu dài, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải dùng thị trường tài chính mới có đủ nguồn để giúp các doanh nghiệp lớn huy động vốn. Các doanh nghiệp lớn là cái nền của kinh tế trong nước, và khi nền kinh tế phát triển mạnh thì chúng ta không thể đơn thuần dựa vào vốn của ngành ngân hàng, mà tất cả đều phải hướng đến các nguồn tài chính từ thị trường bên ngoài. Nếu cứ dựa vào ngân hàng thì sẽ bị bế tắc và không phát triển được. Bởi vậy Techcombank đã đi trước một bước và đã nỗ lực góp sức để cùng xây dựng và phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô và lành mạnh tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn hoạt động cho nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn và hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trong số các đối tác của Techcombank có Vingroup rất lớn, thậm chí một số người còn ví von "nếu Vingroup hắt hơi thì Techcombank đau đầu". Xin hỏi thời gian tới ngân hàng có phát triển rộng ra các khách hàng lớn khác để giảm bớt rủi ro không?
Trước đây ở Mỹ, người ta nói hễ công ty xe GM hắt hơi thì cả nước Mỹ cảm cúm, trường hợp chúng tôi cũng tương tự như vậy. Lý do vì sao? Vì tập đoàn Vingroup rất lớn và hoạt động mạnh trong nhiều lĩnh vực kinh tế, từ bất động sản đến bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục…tại Việt Nam. Đấy đều là những ngành chủ lực và quan trọng của một nền kinh tế, mà ngân hàng đều phục vụ.
Còn một vấn đề khác nữa ở đây là, nếu câu hỏi là bao nhiêu phần trăm lợi nhuận hay bao nhiêu phần trăm tỷ lệ doanh thu của chúng tôi xuất phát từ một tập đoàn thì con số đó không lớn. Nó không phải là con số lớn trong tổng tài sản, tổng dư nợ, hay tổng doanh thu. Techcombank khi làm việc với một khách hàng doanh nghiệp lớn thì không chỉ phục vụ doanh nghiệp đó, mà phục vụ cả một hệ sinh thái xung quanh, cùng các nhu cầu tài chính từ đối tác đến khách hàng của họ. Hơn nữa, những tập đoàn lớn cũng không bao giờ chỉ sử dụng dịch vụ tài chính và thu xếp huy động của một ngân hàng, họ đều phải tìm nhiều nguồn vốn khác, từ những thị trường tài chính cả trong và ngoài nước.
Chính sách E-Banking 0 đồng của Techcombank giúp khách hàng tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng như thế có công bằng với nhà đầu tư không khi như các ngân hàng khác thu được phí sẽ có thêm lợi nhuận và chia cổ tức?
Techcombank tập trung vào giá trị lâu dài, mà giá trị lâu dài của mọi doanh nghiệp luôn xuất phát từ khách hàng. Tôi thường diễn giải rằng CEO = Customers (Khách hàng) - Employees (Nhân viên) – Owners (Chủ sở hữu), có nghĩa theo thứ tự ưu tiên thì trước tiên chính là khách hàng, tiếp đó đến nhân viên và sau đó mới tới nhà đầu tư.
Vì giá trị lâu dài của nhà đầu tư xuất phát từ khách hàng, xuất phát từ cán bộ nhân viên sau đó mới sinh lời được. Nếu không có khách hàng thì làm cách nào cũng không thể sinh lời được; nếu không có cán bộ nhân viên cũng không sinh lời được, như vậy nhà đầu tư bỏ tiền vào sẽ không gặt hái được giá trị mong đợi. Do đó, chúng tôi ưu tiên đầu tư cho nhân viên phục vụ khách hàng công cụ và giải pháp một cách tốt nhất. Từ đó nhân viên mới có cơ sở tư vấn các dịch vụ và giải pháp tốt nhất cho khách hang. Sau đó khách hàng gắn bó và luôn tìm đến ngân hàng để được phục vụ.
Dựa trên lý luận đó, chúng tôi mới đưa ra chương trình miễn phí giao dịch. Nói cho đúng, thực chất ngân hàng là nơi huy động vốn và mượn tiền của người dân. Nếu dịch vụ vay mượn từ khách hàng luôn được đảm bảo đem lại lợi ích cao, thì khách hàng mới tin tưởng sử dụng dịch vụ của ngân hàng, rồi quay trở lại sử dụng dịch vụ nhiều lần. Sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều lần trong ngày mới là yếu tố làm gia tăng giá trị cho ngân hàng, và sau cùng là đem lại lợi ích cho nhà đầu tư.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: