Thách thức dẫn đầu và áp lực nợ xấu đối với tân Chủ tịch Vietcombank

22/11/2024
Được đánh giá là người “đủ tầm” chèo lái con thuyền lợi nhuận tỷ USD Vietcombank, song đặt trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế có thể kéo dài 2 -3 năm do dịch bệnh và sự “lớn nhanh” của các ông lớn ngân hàng tư nhân, ngôi vị dẫn đầu và nợ xấu là thách thức đối với tân Chủ tịch Vietcombank.

Chân dung tân Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng

Tại phiên họp ngày 30/08/2021, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 6172/NHNN-TCCB ngày 27/8/2021, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bầu ông Phạm Quang Dũng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018 - 2023 kể từ ngày 30/08/2021.

Việc ông Dũng trở thành Chủ tịch của Vietcombank có lẽ không phải là điều quá bất ngờ, bởi theo đánh giá của người trong ngành, ông Phạm Quang Dũng là gương mặt "sáng giá và đủ tầm" để chèo lái con thuyền Vietcombank ở thời điểm hiện tại.

Thách thức dẫn đầu và áp lực nợ xấu đối với tân Chủ tịch Vietcombank - Ảnh 1.

Tân Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng. (Ảnh: VCB)

Tân Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/04/1973, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Năm 1994, ông Phạm Quang Dũng đã bắt đầu gắn bó với Vietcombank với vị trí cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Tại Vietcombank, ông Dũng đã trải qua nhiều vị trí công tác tại Phòng Đầu tư và Bảo lãnh; Phòng quan hệ Quốc tế; Công ty Cho thuê tài chính và kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó Chánh Văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông; Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý; Phó Tổng Giám đốc; Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.

Trước khi được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị , ông Phạm Quang Dũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank kể từ 11/2014 cho tới khi được bổ nhiệm.

Tân Chủ tịch Vietcombank: Áp lực dẫn đầu lợi nhuận và thách thức từ nợ xấu

Nhìn vào lịch sử 10 năm trở lại đây, lợi nhuận của Vietcombank giai đoạn trước 2014 gần như đi ngang nhiều năm, và chỉ liên tục đột biến trong 8 năm trở lại đây dưới sự chèo lái của cặp đôi Nghiêm Xuân Thành - Phạm Quang Dũng.

Không chỉ thuộc Top đầu, Vietcombank dưới sự chèo lái của cặp đôi Nghiêm Xuân Thành - Phạm Quang Dũng đã "chinh phục" thành công nấc thang tỷ USD lợi nhuận trước thuế và cũng là ngân hàng duy nhất của hệ thống đạt được mốc này tính đến thời điểm hiện tại.

Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng 11%, đạt khoảng 23.580 tỷ đồng và lợi nhuận 2 tỷ USD trong 4 năm tới.

Thách thức dẫn đầu và áp lực nợ xấu đối với tân Chủ tịch Vietcombank - Ảnh 2.

Vietcombank trở thành "người khổng lồ" về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: LT)

Dù được kế thừa một số yếu tố thuận lợi như khoản 9.000 tỷ đồng nguồn thu từ thương vụ hợp tác với FWD trong lĩnh vực bảo hiểm bắt đầu hạch toán dần từ năm nay, hay "của để dành" tiềm năng từ các khoản đầu tư vào MB, Eximbank… chưa thoái hết, song mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD và duy trì vị thế "người khổng lồ" dẫn đầu về lợi nhuận là thách thức đối với người kế nhiệm là tân Chủ tịch Phạm Quang Dũng.

Lý do, thời điểm hiện tại khi ông Phạm Quang Dũng ngồi "ghế nóng" Vietcombank, nhà băng này đang đối diện với sức ép lớn về "hy sinh" lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số tiền đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng của Vietcombank lên tới hơn 5.400 tỷ đồng. Hiện tại, Vietcombank cũng đang triển khai Chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021 với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm tùy đối tượng khách hàng, với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng.

Hơn nữa, khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế được nhiều chuyên gia dự báo có thể kéo dài trong 2 – 3 năm tới do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chưa hết, sự "lớn nhanh" của các ông lớn ngân hàng tư nhân, cũng là "mối đe dọa" lớn đối với ngôi vương lợi nhuận của Vietcombank trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Phạm Quang Dũng.

Thực tế, nếu như năm 2019, lợi nhuận của Vietcombank gần bằng lợi nhuận của Techcombank và VietinBank cộng lại, thì nửa đầu năm nay Techcombank đang bám sát Vietcombank về lợi nhuận với hơn 11.500 tỷ đồng, trong khi Vietcombank đạt hơn 13,5 nghìn tỷ đồng.

Thách thức dẫn đầu và áp lực nợ xấu đối với tân Chủ tịch Vietcombank - Ảnh 3.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Vietcombank.

Cùng với đó là áp lực về nợ xấu tại Vietcombank cũng đang ngày càng lớn dần. Đến hết tháng 6/2021, Vietcombank đang có gần 6.865 tỷ đồng nợ xấu, tăng 31,3% về giá trị tuyệt đối so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 0,62% (đầu năm) lên 0,75%.

Tuy nhiên, con số này được giới chuyên gia nhìn nhận là "chưa được phản ánh đầy đủ" do thực hiện tái cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Bù lại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại cuối quý II của ngân hàng là gần 352%, dẫn đầu hệ thống. Mặc dù vậy, so với con số 370% của cuối năm 2020, tỷ lệ bao nợ xấu tại Vietcombank đang "co lại" khi ông Dũng tiếp quản "ghế nóng".

Vietcombank buộc phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Nửa đầu năm nay, ngân hàng chi hơn 5.500 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng 37,2% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo mới, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI nhìn nhận, các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam có thể sẽ kéo dài hơn, cùng với các gói cho vay ưu đãi, SSI tin rằng tỷ lệ hình thành nợ xấu mới của Vietcombank sẽ tăng nhanh và thu nhập lãi thuần sẽ chịu áp lực trên một số mặt.

Do đó, SSI giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank 8,1% so với dự báo trước đó, xuống còn 24,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, dự phóng lợi nhuận năm 2021 của Techcombank đuổi "sát nút", ước khoảng 22,3 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: