Thách thức tăng trưởng tín dụng trước làn sóng thứ 2 của Covid-19

23/11/2024
Tính đến ngày 28/7, tín dụng toàn ngành mới chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019; chỉ nhỉnh hơn so với mức 3,26% cuối tháng 6 và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ.

Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt mức 3,26%. Mức tăng này chỉ bằng một nửa năm ngoái và thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lãnh đạo NHNN cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn thấp và tín dụng tăng trưởng chậm, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu. Tuy nhiên, trong tháng 6, tín dụng đã tăng trưởng khá mạnh trở lại. Trước đó, tháng 3 tín dụng mới chỉ tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.

Dù có dấu hiệu tích cực hơn từ tháng 6, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm là dấu hỏi lớn. Sau khi bật tăng trong tháng 6, tín dụng dường như lại có dấu hiệu tăng chậm lại.

Theo thông tin mới đây từ NHNN cho biết, tính đến ngày 28/7, huy động vốn của hệ thống TCTD tăng 5,31%, tín dụng tăng 3,45% so với cuối năm 2019. Theo đó, so với cuối tháng 6, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 0,2% trong tháng 7.

Mức tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (7,13%), cũng là mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Trong khi đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%, cần kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ.

Nhu cầu vay vốn thấp là lý do khiến tín dụng toàn ngành tăng trưởng thấp dù nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được tung ra. Lãnh đạo NHNN từng nhận định, tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi hệ thống ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.

Trong một báo cáo mới đây, BVSC kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ có sự cải thiện so với nửa đầu năm 2020 nhưng mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh. 

BVSC cho rằng, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xuất hiện có thể khiến tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp và lãi suất có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới. Nhu cầu tín dụng bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của BVSC, sự phục hồi của nền kinh tế sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 đang diễn ra ở phía cung nhiều hơn ở phía cầu. Nếu trong các tháng tới, sự phục hồi của cầu tiếp tục không theo kịp với cung, tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc dịch bệnh Covid-19 quay trở lại Việt Nam trong những ngày cuối tháng 7 dẫn tới thực hiện lệnh giãn cách xã hội tại một số địa phương có thể dẫn đến sự phục hồi của doanh số bán lẻ trong tháng 8 chững lại, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành có thể sẽ có mức sụt giảm lũy kế sâu hơn so với tháng 7.

Nguồn: