Thanh lý tài sản thế chấp - Bài cuối: Hạn chế nợ xấu phát sinh

23/11/2024
Khi khách hàng không còn khả năng trả nợ, các ngân hàng sẽ thực hiện phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản thế chấp trong bối cảnh hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Áp lực nợ xấu đang đè nặng lên nhiều ngân hàng.

Áp lực nợ xấu gia tăng

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn. Hiện dư nợ bị ảnh hưởng lên tới khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng, nhất là thực hiện Thông tư 01/2020-TT/NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo khảo sát của phóng viên, phần lớn các tổ chức tín dụng đều thực hiện cơ cấu nợ đối với các khoản vay tiêu dùng mua nhà đất, xe ô tô… mà nguồn thu nhập của khách hàng vay bị ảnh hưởng COVID-19. Thời gian cơ cấu lại nợ tối đa đến cuối tháng 12/2020, tùy theo từng đối tượng khách hàng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 14/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng. Dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%, tuy nhiên áp lực nợ xấu vẫn đang là hồi chuông cảnh báo lên nhiều tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia cho rằng, việc nhiều ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo Thông tư 01 khiến tỷ lệ nợ xấu hiện tại chưa được phản ánh đúng. Hiện đang có một số ngân hàng có tỷ trọng các khoản cho vay cơ cấu lại theo Thông tư 01 lớn như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là 10,6%, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam 3,6%, Ngân hàng TMCP Á Châu 3,2% (tính đến cuối quý 2/2020).

Trong một báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, với kịch bản cơ sở là COVID-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm sau. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và sang năm 2022. SSI ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% trong năm 2020 và năm 2021, so với mức giảm 16,3% năm 2019.

Đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp

Công ty TNHH MTV Quản lý Nợ và Khai thác tài sản thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank AMC) vừa thông báo thông báo đấu giá quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với nhà đất có diện tích trên 500m2 ở Quận 9, Tp.Hồ Chí Minh với giá khởi điểm trên 18,7 tỷ đồng. Tài sản này được đấu giá để thu hồi nợ xấu do bà P.T.Hạnh thế chấp để bảo đảm cho khoản vay theo quy định.

Đây chỉ là một trong số hàng chục tài sản đảm bảo đang được công ty này triển khai đấu giá trong thời gian gần đây. Ngoài bất động sản, Agribank AMC cũng đang đấu giá nhiều khoản nợ, bất động sản, ô tô… để thu hồi nợ, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Trong mục thanh lý tài sản, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) hiện có khoảng 80 tài sản bất động sản đang được cũng đang rao bán và đấu giá, bao gồm cả nhà ở, đất ở và đất nông nghiệp, với giá trị dao động từ 300 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này cũng có hơn 60 ô tô cần thanh lý. Phần lớn các tài sản cần thanh lý này đều được rao bán sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam.

Đáng chú ý, nhiều tài sản thế chấp dù đã được các ngân hàng rao bán từ lâu song đến nay vẫn ế, chưa thể thanh lý. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) vừa ra thông báo bán đấu giá lần thứ 17 đối với khoản nợ hơn 2.700 tỷ đồng của nhóm khách hàng liên quan đến Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn - Công ty con của Công ty cổ phần Thuận Thảo, do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tài sản đấu giá gồm có 3 bất động sản và cổ phiếu Công ty cổ phần Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh (mã cổ phiếu GTT). Không chỉ rao bán nhiều lần, giá khởi điểm cũng đã giảm khoảng 400 tỷ đồng so với mức giá cao nhất mà BIDV từng thông báo, xuống còn 800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì việc thu giữ tài sản, xử lý nợ xấu của các ngân hàng được hỗ trợ nhanh gọn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc đấu giá, thanh lý tài sản đảm bảo còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề định giá tài sản và mức giá khởi điểm được các ngân hàng đưa ra chưa sát với thị trường.

Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế đang còn chịu tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 khiến thu nhập của người dân sụt giảm, ít có nhu cầu mua sắm. Trong khi, tốc độ xử lý nợ xấu vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường và nhu cầu của người mua. Do vậy, dù các ngân hàng có tích cực đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp thì việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng hiện vẫn còn nhiều trở ngại.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh thủ tục đấu giá, đưa ra mức giá khởi điểm hợp lý, phù hợp với thị trường là điều cần thiết để thúc đẩy thanh lý tài sản đảm bảo được thuận lợi.

Để hạn chế nợ xấu phát sinh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng mở rộng tín dụng đến tất cả các doanh nghiệp, thành phần kinh tế. Tuy nhiên, điều kiện và tiêu chuẩn tín dụng vẫn phải đảm bảo, để đảm bảo chất lượng tín dụng tốt nhất; đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ…

Nguồn: