Thanh toán không tiền mặt: Rủi ro bởi hạ tầng thanh toán chưa được chuẩn hóa?

25/11/2024
Hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập và có thể gây ra rủi ro bởi hạ tầng thanh toán chưa được chuẩn hóa.

Tâm lý của người dùng: An tâm khi sử dụng tiền mặt trong thanh toán

Theo số liệu từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại thời điểm Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực ngày 26/3/2013, tỷ trọng thanh toán này là 12,01% và đến nay, vẫn chỉ ở mức 11,49%. Trong khi đó, tại cùng thời điểm, tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 234%.

Để hoàn thành mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt là việc không hề dễ dàng. Bởi trên thực tế, hiện chỉ có 18.668 ATM và 261.705 POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) phục vụ cho 158 triệu thẻ trong đó có 85% là giao dịch rút tiền mặt, không phải là giao dịch thanh toán. 

Điều này đồng nghĩa với việc, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam không có sự tăng trưởng so với tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán. Hay nói cách khác, ngay cả với sự phát triển của kỹ thuật số, người Việt vẫn thích sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày. 

Một vấn đề nữa là rủi ro bởi hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam chưa được chuẩn hóa do các ngân hàng tự trang bị hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại điểm bán, gây ra sự bất đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, chồng chéo về đầu tư, không tận dụng được hạ tầng chung.

Tại Hội nghị quản lý rủi ro thẻ 2019 do Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 11-12/7 tại Bình Định, ông Francis Heo – Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Alliex Việt Nam cho hay, có nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thanh toán không dùng tiền mặt như về cơ chế chính sách, thói quen người sử dụng, dịch vụ thanh toán và đặc biệt là rủi ro bởi hạ tầng thanh toán.

Thanh toán không tiền mặt: Rủi ro bởi hạ tầng thanh toán chưa được chuẩn hóa? - Ảnh 1.

Ông Francis Heo phát biểu tại Hội nghị quản lý rủi ro thẻ 2019.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những vấn đề quan trọng là cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ, thống nhất, dùng chung, đủ năng lực, áp dụng công nghệ mới, an toàn bảo mật.

Lời giải nào cho rủi ro về hạ tầng thanh toán?

Theo ông Francis, tại Hàn Quốc, Ủy ban dịch vụ tài chính - Cơ quan chính phủ Hàn Quốc (FSC) đã ban hành luật cấm các giao dịch thanh toán bằng thẻ từ có hiệu lực từ ngày 20/7/2018 và hình phạt khi vi phạm lên tới 50 triệu KRW (khoảng 1 tỷ VND). Việc chuyển đổi thẻ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip cũng như đảm bảo thiết bị chấp nhận thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa sẽ góp phần gia tăng tính bảo mật và an toàn hơn cho người tiêu dùng. 

Được biết, tại Việt Nam, với lộ trình Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN là, đến cuối năm 2019, sẽ có ít nhất 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS và 6.000 máy ATM phải hoàn tất việc chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa. Tuy nhiên, để nâng cấp toàn bộ máy POS, ATM tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, ước tính ngân sách để nâng cấp, thay thế vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Do vậy, việc chuyển đổi sẽ gây ra lãng phí rất lớn cho các ngân hàng thương mại và xã hội. Nếu không có hạ tầng đồng bộ, kinh phí để nâng cấp, thay thế thiết bị thì việc thực hiện lộ trình trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một điều đáng lưu ý khác, hiện tại Việt Nam đã xuất hiện các điểm bán trá hình thanh toán bằng mã QR Trung Quốc Wechat và Alipay. Đây là hình thức thanh toán xuyên biên giới bất hợp pháp thông qua các ứng dụng thanh toán điện tử giữa người mua ở nước này với người bán ở nước khác. Hành vi này gây ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước vì niêm yết giá và thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Để nâng cấp hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả, tránh việc đầu tư trùng lặp, khắc phục các rủi ro bởi hạ tầng thanh toán, thúc đẩy việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông Francis Heo cho biết thêm, Alliex sẽ đầu tư và triển khai hạ tầng POS dùng chung tại Việt Nam.

"Giải pháp POS dùng chung sẽ hỗ trợ các ngân hàng quản lý đơn vị chấp nhận thẻ, các thiết bị POS dùng chung của Alliex sẽ đáp ứng các nền tảng công nghệ thanh toán mới như thẻ chip nội địa, QR, NFC… cùng với mạng lưới chăm sóc khách hàng toàn quốc để hỗ trợ các điểm bán", ông Francis Heo nhấn mạnh. 

Ngoài ra, để có thể thúc đẩy việc triển khai giải pháp POS dùng chung tại Việt Nam, Alliex sẽ cung cấp chương trình trao đổi thiết bị POS dùng chung mới với thiết bị POS hiện tại của các Ngân hàng.

Tại hội nghị, các chuyên gia về phòng chống rủi ro từ các ngân hàng, Bộ Công an, các công ty Fintech… cũng bày tỏ quan tâm đến các khía cạnh của rủi ro trong thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là hạ tầng thanh toán. Đồng thời, đánh giá giải pháp POS dùng chung có thể trở thành một trong những giải pháp trọng tâm để quản trị rủi ro và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Nguồn: