Thay đổi thói quen "đi ngân hàng" thời đại dịch

18/05/2024
Nhiều khách hàng xưa nay vẫn duy trì thói quen ra các chi nhánh ngân hàng gửi tiền mặt và lấy sổ "cứng". Có lẽ việc cầm cuốn sổ "cứng" phần nào mang đến cảm giác an tâm hơn, đặc biệt đối với các khách hàng có tuổi, tâm lý ngại tiếp cận với những hình thức tài chính mới.

Mới đây xảy ra trường hợp một khách hàng của PVcomBank tại Tp. Hồ Chí Minh thuộc diện F0 phải cách ly, khách hàng có sổ tiết kiệm gửi tại quầy của ngân hàng này và có nhu cầu rút một phần tiền trong sổ. Tuy nhiên cán bộ ngân hàng đã từ chối và đề nghị vị khách trên cầm sổ ra chi nhánh để thực hiện theo đúng quy định của ngân hàng. Vị khách hàng trên có gửi câu hỏi tới Cổng thông tin của Chính phủ và hỏi ngân hàng làm như vậy có đúng không, và trường hợp này cần thực hiện thủ tục thế nào.

Tiếp nhận phản ánh của công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn gửi PVcomBank để giải đáp câu hỏi của công dân. Sau khi kiểm tra thông tin khách hàng, Phòng Chính sách và sản phẩm huy động vốn – Khối Khách hàng cá nhân của PVcomBank cho biết đã thực hiện hỗ trợ khách hàng N.M.Q. Hương chuyển đổi hình thức thanh toán sang online, khách hàng đã thực hiện tất toán thành công vào ngày 29/7/2021. Sau khi hết thời gian điều trị, khách hàng ra quầy giao dịch để thực hiện bổ sung và ký các chứng từ để hoàn tất giao dịch.

Chia sẻ thông tin thêm với truyền thông, đại diện PVcomBank cho biết, đứng trước nhu cầu cấp bách của khách hàng và đảm bảo an toàn phòng dịch, ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra giải pháp linh hoạt hỗ trợ khách hàng bằng cách chuyển đổi sổ tiết kiệm tại quầy sang hình thức tiết kiệm online, từ đó khách hàng có thể rút tiền một cách thuận lợi, kịp thời mà không cần phải trực tiếp đến chi nhánh ngay trong thời gian cách ly. Các chứng từ và thủ tục cần thiết theo đúng quy định sẽ được ngân hàng hỗ trợ gia hạn để khách hàng đến quầy giao dịch thực hiện sau khi hết thời gian điều trị. 

"Phương án này có thể nói chưa từng có tiền lệ đối với ngân hàng nào và là một động thái cho thấy sự linh hoạt của các cán bộ ngân hàng, thể hiện đúng tinh thần đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, nhất là trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay" - đại diện ngân hàng nói.

Đồng thời, phía PVcomBank cho biết, không chỉ đối với trường hợp của vị khách hàng nói trên, mà các khách hàng có sổ tiết kiệm gửi tại quầy đến hạn cũng sẽ được ngân hàng hỗ trợ thực hiện chuyển đổi sang hình thức tiết kiệm online để dễ dàng rút tiền hoặc đăng ký tiếp tục gửi trực tuyến với mức lãi suất cao hơn, đi kèm với nhiều tiện ích và ưu đãi trên nền tảng ngân hàng số.

Thực tế, nhiều khách hàng xưa nay vẫn duy trì thói quen ra các chi nhánh ngân hàng gửi tiền mặt và lấy sổ "cứng". Có lẽ việc cầm cuốn sổ "cứng" phần nào mang đến cảm giác an tâm hơn, đặc biệt đối với các khách hàng có tuổi, tâm lý ngại tiếp cận với những hình thức tài chính mới.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia cũng như người làm trong ngành ngân hàng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, người tiêu dùng nên suy nghĩ về việc thay đổi thói quen truyền thống, tiếp cận và lựa chọn cho mình những giải pháp mới để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh. Chuyển đổi sang gửi tiết kiệm online và sử dụng các tính năng của ngân hàng số không chỉ giúp việc chuyển nhận tiền linh hoạt 24/7, rút tiền/gửi thêm hoặc tất toán chủ động bất cứ lúc nào cần, tiết kiệm từ những khoản tiền nhỏ chỉ từ 1 triệu đồng, mà hơn thế, có ngân hàng còn hỗ trợ cộng thêm lãi suất đến 0,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm online.

Bên cạnh đó, ngân hàng số còn giải quyết cho khách hàng nhiều bài toán "di chuyển" khác trong mùa dịch, ví dụ như việc thanh toán các loại hóa đơn, sinh hoạt phí định kỳ, chuyển nhận tiền liên ngân hàng… Tất cả sẽ được thực hiện chỉ với thiết bị có kết nối internet tại nhà và bằng vài thao tác đơn giản. Chưa kể, để khuyến khích khách hàng chuyển dịch sang hình thức ngân hàng 4.0 này, nhiều ngân hàng đang áp dụng mức phí chỉ 0 đồng cho hầu hết các giao dịch trực tuyến.

"Tiện ích, ưu đãi và an toàn, nhưng người tiêu dùng sẽ vẫn cần một lần thử trải nghiệm thực tế để vượt qua tâm lý e ngại đối với thế giới số, và đây chính là thời điểm thích hợp nhất. Với các kênh tư vấn đa dạng, phía ngân hàng sẽ luôn hỗ trợ tối đa để mọi khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt được công nghệ, dần dần dịch chuyển sang những trải nghiệm ưu việt này một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất" - chuyên gia khuyến nghị.

Và như vậy, câu chuyện "đi ngân hàng trong thời gian là F0, F1, giãn cách xã hội, cách ly trong khu phong tỏa…" sẽ không còn là câu hỏi khó cho bất cứ khách hàng nào nữa.


Nguồn: