Còn đúng 1 tuần nữa là hết năm 2019 và 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nếu như mọi năm, thời điểm cận Tết nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh khiến cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng, trong khi tỷ giá neo ở mức cao, thì năm nay tình hình đang có diễn biến...ngược lại.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND liên tục giảm và đã giảm tổng cộng 0,5% so với cuối năm 2018. Nhu cầu USD được đáp ứng khiến cho tỷ giá "án binh bất động" dù rằng đồng USD trên thị trường thế giới và nhiều ngoại tệ khác biến động mạnh. Việc tỷ giá giảm 0,5% cho đến thời điểm này cũng nằm ngoài dự báo của giới quan sát và các chuyên gia. Trước đó, hầu hết các ý kiến tin rằng tỷ giá sẽ tăng khoảng 2%.
Trong khi đó ở hoạt động ngân hàng, nhu cầu vay mượn của các ngân hàng có thời điểm lên cao nhưng cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Ví dụ như thời điểm ngày 20/12 (số liệu mới nhất của NHNN), lãi suất VND qua đêm và 1 tuần - 2 kỳ hạn chiếm tỷ trọng nhiều nhất với khoảng 80% tổng giao dịch - trên liên ngân hàng chỉ ở mức lần lượt 2,02% và 2,52% sau khi giảm liên tục từ mức hơn 4%/năm cách đó chưa hơn 1 tuần. Mức lãi suất liên ngân hàng thấp như vậy cũng là bất ngờ khi trước đó các dự báo đều tin rằng lãi suất sẽ ở quanh vùng 4%/năm trong tháng cao điểm.
Không chỉ giảm về lãi suất, nhu cầu vay mượn của các tổ chức tín dụng cũng sụt giảm. Nếu như trong tuần đến ngày 13/2 bình quân mỗi phiên có hơn 65.000 tỷ đồng được giao dịch thì sang tuần vừa rồi chỉ còn chưa đến 60.000 tỷ đồng mỗi phiên (tính riêng giao dịch VND).
Trên thị trường mở, cả tuần vừa rồi cũng không phát sinh các giao dịch mới, và mặc dù đang giai đoạn cao điểm nhưng Ngân hàng Nhà nước lại hút ròng về 34,6 nghìn tỷ đồng thông qua các khoản mua kỳ hạn.
Theo giới quan sát, thanh khoản của toàn hệ thống được cải thiện thời điểm này chủ yếu nhờ nguồn cung tiền dồi dào từ các ngân hàng thương mại lớn. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện tại sẽ khó giữ sau khoảng 2-3 tuần nữa bởi nhu cầu tiền sẽ cao hơn rất nhiều do các doanh nghiệp thanh toán đơn hàng cuối năm cũng như chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Lãi suất huy động ổn định
Theo báo cáo của Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc CTCK SSI, trong tuần vừa qua, lãi suất tiền gửi duy trì ổn định và không ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể nào từ các nhà băng. Cụ thể, lãi suất vẫn dao động trong khoảng 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn neo cao nên tiền gửi các ngân hàng thương mại vẫn tăng trưởng tốt trong 4 tháng gần đây và gia tăng tỷ trọng tiền gửi trung và dài hạn trong cơ cấu tiền gửi. Theo số liệu từ NHNN, tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn toàn hệ thống đã giảm từ 28,4% tại cuối 2018 xuống 27,3% vào cuối tháng 9/2019. Tỷ lệ này đang nằm trong lộ trình giảm xuống mức không quá 30% ở tất cả các ngân hàng vào 01/10/2022 (theo thông tư 22).
Các nhà phân tích của SSI tin rằng, sau giai đoạn cao điểm hiện tại, lãi suất có thể điều chỉnh giảm nhẹ nhưng sẽ vẫn có sự khác biệt khá lớn giữa các nhóm ngân hàng.
Nguồn: