Trong những năm gần đây, nhận thức của các ngân hàng về quản trị rủi ro đã có nhiều thay đổi. Các ngân hàng trong nước đang dần hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel là mục tiêu hướng đến trong công tác quản trị rủi ro của các NHTM Việt Nam.
Quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel
Cuộc khủng hoàng tài chính thập niên bảy mươi (70) và tám mươi (80) của thế kỷ trước đã khiến các ngân hàng lớn cạn kiệt vốn. Năm 1988, Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS) giới thiệu Hiệp ước Basel I. Basel I đã đưa ra các định nghĩa thống nhất về vốn, mức an toàn vốn tối thiểu (CAR) dựa trên mức độ rủi ro của tài sản. Basel I yêu cầu các ngân hàng phải duy trì CAR tối thiểu 8%. Tuy nhiên, Basel I nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu như chỉ tập trung vào rủi ro tín dụng, "độ nhạy" đo lường rủi ro các loại tài sản còn kém,…
Tháng 06/2006, BCBS công bố Basel II để khắc phục các nhược điểm của Basel I. Basel II cũng yêu cầu các ngân hàng duy trì CAR tối thiểu 8%. Tuy nhiên, Basel II đưa ra yêu cầu về vốn cho cả ba loại rủi ro bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Basel II được xây dựng dựa trên ba trụ cột: trụ cột 1 là an toàn vốn, trụ cột 2 là quy trình kiểm tra của cơ quan giám sát và trụ cột 3 là nguyên tắc thị trường. Basel II là phiên bản được nhiều Ngân hàng Trung ương của các nước trên thế giới áp dụng để xây dựng yêu cầu về an toàn vốn, quản trị rủi ro cho các ngân hàng trong hệ thống. Các quốc gia như Indonesia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ, Tehran, Albanian,…điều áp dụng hoặc tham khảo Basel II để xây dựng quy định về an toàn vốn.
Khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 buộc Ủy ban Basel đề xuất sửa đổi Basel II. Năm 2010, Basel III được giới thiệu lần đầu. Năm 2013 một phần của Basel III được triển khai. Năm 2019 Basel III được triển khai toàn diện. Basel III đã đưa ra những thay đổi đáng kể trong cơ chế quản lý an toàn áp dụng cho các ngân hàng, bao gồm tăng tỷ lệ vốn tối thiểu, thay đổi định nghĩa về vốn cách tính tài sản có trọng số rủi ro. Basel III cũng đưa ra phương pháp đo lường mới liên quan đòn bẩy tài chính, thanh khoản và tài trợ. Ngoài việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất là 8%, các ngân hàng áp dụng Basel III còn phải bổ sung "đệm" bảo toàn vốn 2,5% của tài sản có trọng số rủi ro, nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 10,5%.
Mục tiêu xuyên suốt của các phiên bản Basel nhằm thiết lập các yêu cầu về vốn để bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo hoạt động của ngân hàng an toàn, thông suốt.
Quản trị rủi ro của các ngân hàng tại Việt Nam
Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel để xây dựng các Thông tư nhằm định hướng hoạt động quản trị rủi ro của các NHTM tiệm cận chuẩn mực quản trị rủi ro tiên tiến trên thế giới. Nội dung này được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018. Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2025 tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn (đáp ứng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN). Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại NHTM mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
Bên cạnh một số ngân hàng vẫn đang "loay hoay" để triển khai áp dụng Basel II thì số ít đã công bố hoàn thành các yêu cầu của Basel III như TPBank. Các ngân hàng như VIB, HDBank, ABBank,…đang trong giai đoạn triển khai Basel III.
Việc đảm bảo khung quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel sẽ giúp cho ngân hàng hoạt động ổn định, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ khi nền kinh tế diễn biến xấu hoặc ngân hàng đối mặt với những khoản lỗ trong hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước (NHNN) cũng có "ưu ái" nhất định đối với những NHTM có khung quản trị rủi ro tốt. Mặc dù không được cụ thể bằng văn bản, tuy nhiên nhìn vào công tác điều hành room tín dụng trong năm 2021 của NHNN dễ nhận thấy, những "nhà băng" sớm đáp ứng các yêu cầu về quản trị rủi ro tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN hoặc tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III sẽ được "nới" room tín dụng khá hơn các "nhà băng" còn lại, đơn cử như TPB (23,4%), MSB (22%), VIB (19%),…
Thêm ngân hàng triển khai Basel III
Ngày 24/02/2022 tại Trụ sở chính của Nam A Bank đã diễn ra Lễ ký kết triển khai và áp dụng Basel III giữa Nam A Bank và Công ty Kiểm toán KPMG. KPMG sẽ tư vấn và hỗ trợ Nam A Bank triển khai và áp dụng các yêu cầu về quản trị rủi ro theo Basel III.
Nam A Bank là một trong những ngân hàng luôn tiên phong và chủ động áp dụng mô hình quản trị rủi ro theo quy định của NHNN và chuẩn mực quốc tế sớm. Từ đầu năm 2019, Nam A Bank đã tổ chức xây dựng và chính thức được NHNN phê duyệt cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN vào cuối năm, tiếp đến năm 2020 hoàn thành xong đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN, Nam A Bank được công nhận tuân thủ 03 trụ cột theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN (theo chuẩn mực Basel II) trong năm 2021.
Quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế giúp cho hoạt động kinh doanh của Nam A Bank phát triển hiệu quả an toàn và bền vững trong thời gian qua. Cụ thể, trong năm 2021 hoạt động kinh doanh của Nam A Bank đạt được những kết quả khả quan như lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.799 tỷ đồng,Tổng tài sản ở mức 153.289 tỷ đồng, Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,57%; Các chỉ số hiệu quả sử dụng vốn ROA và ROE lần lượt là 1% và 19,1% trong nhóm các ngân hàng cao tại Việt Nam.
Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đang được hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới, giúp các ngân hàng nâng cao năng lực và chất lượng vốn, ứng phó chủ động với các rủi ro tài chính tốt hơn, bên cạnh việc tăng cường và hiệu quả hơn đối với quản lý rủi ro thanh khoản. Bên cạnh tiếp tục khai thác hiệu quả, đi vào chiều sâu các chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II nâng cao, Nam A Bank chính thức triển khai và áp dụng chuẩn mực Basel III nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Đại diện Nam A Bank cho biết, việc chủ động triển khai và áp dụng Basel III như là lời cam kết mà nhiều năm qua HĐQT, ban TGĐ Nam A Bank đã hướng đến cùng thị trường là luôn ưu tiên áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động quản lý, kinh doanh của Ngân hàng; việc ứng dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế sớm là trách nhiệm của Nam A Bank. Đồng thời, việc triển khai và áp dụng Basel III sẽ tạo khung quản trị rủi ro vững chắc và khẳng định sự hoạt động minh bạch cũng như thêm nền tảng bền vững giúp cho hoạt động kinh doanh phát triển bứt phá mạnh mẽ, an toàn, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn chiến lược sắp tới.
https://cafef.vn/them-ngan-hang-viet-trien-khai-basel-iii-20220225092757082.chnNguồn: