Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục hạ nhiệt

22/11/2024
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong tháng 10 tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng của Nghị định 81...

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố báo cáo thị trường trái phiếu tháng 10/2020 với việc nhấn mạnh tổng giá trị phát hành tiếp tục suy giảm.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 10 đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, giảm 39,4% so với tháng 9 và giảm tới 90% so với tháng cao điểm là tháng 8.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt rõ rệt trong 2 tháng vừa qua chủ yếu do các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu được quy định tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020. Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều đã đẩy nhanh phát hành trong tháng 8.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục hạ nhiệt - Ảnh 1.

Kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2020. Nguồn: FiinPro, KBSV.

Trong tháng 10, các doanh nghiệp có xu hướng phát hành tập trung ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn, trải dài từ 1 - 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm chiếm giá trị nhiều nhất (3.470 tỷ đồng, chiếm 39,6% tổng giá trị phát hành).

Kỳ hạn phát hành bình quân trong tháng 10 là 4,75 năm, tăng mạnh so với tháng 9 (3,7 năm). Nhóm điện và ngân hàng là 2 nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất trong tháng, với bình quân đạt 9,5 năm và 5,6 năm. Nhóm tài chính và xây dựng có kỳ hạn thấp nhất, chỉ đạt 1 và 2 năm.

Trong tháng, nhóm ngân hàng và bất động sản là 2 tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới hơn 72,7% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nhóm Ngân hàng phát hành thành công đạt hơn 3.000 tỷ đồng, với đóng góp chính từ 2 ngân hàng BIDV và VIB. Nhóm ngành Bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 3.345 tỷ đồng, chủ yếu từ Công ty Cổ phần Vinpearl (chiếm 66%).

Các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP siết chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực từ 01/9/2020.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm hiện chỉ ở mức 6.2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 (8 – 10%) nên dư địa để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới vẫn còn tương đối nhiều.

Theo KBSV, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó có thể chuyển hướng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng do vướng điều kiện ở Thông tư 75/2004/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong đó, điều kiện vướng mắc nhất là yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi trong năm liền trước năm đăng ký phát hành và đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký phát hành.

“Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 2 tháng cuối năm 2020 sẽ không có nhiều biến động mạnh như quý 2”, nhóm nghiên cứu tại KBSV nhận định.

Nguồn: