Thống đốc Lê Minh Hưng: Các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành ngân hàng năm 2019 còn rất nặng nề

25/11/2024
Người đứng đầu ngành ngân hàng đã đưa ra 5 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng trong 6 tháng cuối năm và tin rằng nhiệm vụ được giao cũng như mục tiêu đặt ra sẽ được hoàn thành.

Ngày 5/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Tại Hội nghị này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã biểu dương các đơn vị thuộc NHNN đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, có dự báo và phương án, kịch bản kịp thời, sát với thực tế, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng, ngân hàng linh hoạt và đồng bộ, tạo dư địa cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác phát huy tác dụng, góp phần trực tiếp kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ tăng trưởng cao. Hoạt động của ngành Ngân hàng đã được Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong, ngoài nước và dư luận xã hội đánh giá cao. Trong 6 tháng đầu năm, ngành cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, tạo tiền đề cho năm 2020 và những năm tiếp theo, Thống đốc cho rằng, để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành Ngân hàng trong 2019 còn rất nặng nề, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai các giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm 2019, trong đó chú trọng vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện các Nghị định thuộc lĩnh vực thanh tra, giám sát ngân hàng, quản lý ngoại hối, hoạt động thanh toán,... nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo ổn định, an toàn hoạt động của các TCTD.

Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. 

Thứ ba, tiếp tục triển khai tích cực Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém. Thực hiện sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND nhằm bảo đảm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và giữ vững ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD.

Thứ tư, tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại. Giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tốt hơn hoạt động cung ứng dịch vụ của các trung gian thanh toán và thanh toán điện tử.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với TCTD góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững.

Thống đốc Lê Minh Hưng tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, ngành Ngân hàng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2019 được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nguồn: