Thống đốc Lê Minh Hưng: NHNN đang nghiên cứu để đưa nội dung chuyển đổi số và Fintech vào Luật các TCTD

21/11/2024
NHNN hiện đang trong quá trình phối hợp với các Bộ, Ngành để hoàn thiện Bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tập trung vào ASEAN do ngân hàng Standard Chartered tổ chức, tiếp theo Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và 4.700 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, hôm nay, ngày 7/9/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã tham dự Hội nghị trực tuyến chuyên sâu với chủ đề "Khai phá tiềm năng đầu tư tại Việt Nam hậu Covid -19". Hội nghị thu hút sự tham dự của lãnh đạo của khoảng 500 doanh nghiệp quốc tế đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

Phản hồi tại Hội nghị, Thống đốc đã thông tin về các hoạt động tài chính ngân hàng của Việt Nam.

Về tái cơ cấu gắn với nợ xấu, Thống đốc cho biết, đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020", của NHNN có nội dung chủ yếu là tiếp tục cơ cấu lại hệ thống gắn với xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Đến nay, Đề án đã ghi nhận những kết quả quan trọng trên tất cả các khía cạnh liên quan.

Về mặt pháp lý, khuôn khổ pháp lý tiền tệ ngân hàng được hoàn thiện, đồng bộ với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, trong đó có thể kể đến việc sửa đổi, bổ một số điều của Luật các TCTD, ban hành các Thông tư về thanh tra giám sát, quản trị điều hành hay quy định các tỷ lệ an toàn...Hệ thống các TCTD giảm về số lượng, tăng về quy mô (cả về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ), năng lực quản trị điều hành được nâng cao mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng được cải thiện. Hầu hết các ngân hàng đến nay đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, thậm chí có 18 NHTM đã áp dụng trước thời hạn do NHNN quy định. NHNN cũng đã xây dựng cơ sở pháp lý cho việc triển khai trụ cột 2 của Basel II. Về nợ xấu, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN, chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu và duy trì dưới mức 2% tính đến thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh đại dịch COVID 19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội và phát triển kinh tế, NHNN đã có nhiều giải pháp tích cực để thực hiện hỗ trợ nền kinh tế cũng như nỗ lực tiếp tục tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. Trước các tác động mạnh mẽ của dịch bệnh đến phát triển kinh tế xã hội, NHNN tập trung điều hành để giảm thiểu tác động tiêu cưc của dịch bệnh đối với kinh tế đồng thời tiếp tục kiên định quá trình nâng cao chất lượng của hệ thống ngân hàng thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 (dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới). 

Trong giai đoạn 2021-2025, NHNN sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ-ngân hàng, cụ thể như sửa đổi Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi, bổ sung một số quy định mới…tạo thuận lợi cho các TCTD cung ứng đầy đủ đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, đổi mới theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; NHNN sẽ tiếp tục điều hành nhằm đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn tập trung đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động và an toàn tài chính.

Thống đốc Lê Minh Hưng: NHNN đang nghiên cứu để đưa nội dung chuyển đổi số và Fintech vào Luật các TCTD - Ảnh 1.

Trả lời câu hỏi ngân hàng số và Fintech đang phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng khung quản lý nhà nước vẫn còn nhiều thiếu vắng. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư ở Việt Nam có thể mong đợi gì từ việc xây dựng và hoàn thiện khung quản lý nhà nước đối với các dịch tài chính mới này? Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin… Nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý tài chính trên thế giới là đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của lĩnh vực ngân hàng trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cũng như các cơ quan quản lý trên thế giới, NHNN và các cơ quan liên quan tại Việt Nam cũng đang gặp phải các thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng (P2P Lending), các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs).... Hoạt động của loại hình các công ty/mô hình này hiện nay hầu hết đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh, do đó những rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ.

Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt đối với các dịch vụ mới hoàn toàn chưa có quy định pháp lý thì việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết. Hiện nay, NHNN đang trong quá trình phối hợp với các Bộ, Ngành để hoàn thiện Bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Song song với đó, đối với các dịch vụ đã có một phần quy định pháp lý điều chỉnh, NHNN thực hiện rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay các quy định này nhằm hỗ trợ các TCTD, ngân hàng có thể nhanh chóng triển khai việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình như: ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán (sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt); thực hiện xác thực khách hàng từ xa E-KYC (sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền)... NHNN cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào Luật các TCTD các nội dung mới liên quan đến công nghệ nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho quá trình chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.



Nguồn: