Bớt áp lực trả nợ
Ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho biết, doanh nghiệp này vừa được VietinBank và BIDV giảm lãi vay lần lượt 0,5% và 0,7%/năm. Điều này đồng nghĩa là doanh nghiệp giảm được gần 30 triệu đồng tiền lãi phải trả mỗi tháng. "Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, số tiền này là rất ý nghĩa", ông Thứ nói.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, cách đây hơn một năm khi các NHTM thực hiện giảm lãi suất và giãn nợ cho doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020, với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, ông đã kiến nghị NHNN nên kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2020 vì nhiều doanh nghiệp dệt may thời điểm đó đã bị gián đoạn dòng tiền thanh toán của các đối tác nhập khẩu.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh
Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành phố khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị đình trệ. Trong khi đó tại VitaJean, hiện hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải thanh toán khoản vay đề đầu tư dây chuyền công nghệ 4.0 cho các nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Vì vậy, khi được các NHTM xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm thêm lãi suất đối với các khoản nợ vay để đầu tư tài sản cố định, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Việt thông tin rằng, hiện chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp dệt may - thêu đan ở TP.HCM đáp ứng được các yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ". Nhưng dòng tiền của tất cả các doanh nghiệp đều bị gián đoạn. Do vậy, rất cần các ngân hàng giãn nợ thêm một năm đối với các khoản vay mua nguyên phụ liệu, qua đó giúp doanh nghiệp có nguồn tiền gối đầu để triển khai các phương án kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Theo hầu hết các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, việc các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay phát sinh trước 1/8/2021 là rất hợp lý. Bởi làn sóng dịch lần thứ tư đã khiến nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải dừng hoạt động. Chỉ một số ít doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất "3 tại chỗ" là còn hoạt động, song cũng chỉ cầm chừng. Vì vậy việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất là hết sức ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, chờ cơ hội phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
"Nhưng hiện nay chúng tôi đang phải thực hiện "3 tại chỗ" phát sinh rất nhiều chi phí và làm ăn không có lãi. Vì thế doanh nghiệp rất cần thêm các chính sách hỗ trợ khác như giảm tiền điện sản xuất, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng từ 6-12 tháng để có dòng tiền làm vốn lưu động", ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm G.C kiến nghị.
Với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, trong 3 - 6 tháng tới các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải tập trung giữ đơn hàng. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát trong quý 4 năm nay thì bắt đầu từ khoảng đầu quý I/2022 việc củng cố lại dòng thu mới được thực hiện. Vì vậy, thời điểm này nếu được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, lãi đối với các khoản vay vốn lưu động phải đáo hạn vào cuối tháng 9 hoặc tháng 10.
Đặc biệt, theo ông Khanh, việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chẳng những giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi phạt quá hạn, mà còn giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với các khoản vay mới do không bị vướng vào nợ xấu. Đó là điều vô cùng quan trọng khi mà dự báo thời gian tới doanh nghiệp cần thêm rất nhiều vốn để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các đơn hàng.
Từ phía ngành du lịch, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng, doanh nghiệp cũng rất cần Chính phủ, bộ ngành và các địa phương nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, tiền điện… Đơn cử, hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa đang phải ký quỹ 100 triệu đồng và doanh nghiệp lữ hành quốc tế ký quỹ là 500 triệu đồng. Vừa qua, VITA đã kiến nghị Chính phủ sớm cho phép Bộ Tài chính giảm 80% tiền ký quỹ đối với các doanh nghiệp du lịch đến năm 2023, đồng thời giảm thời gian hoàn trả tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày để tạo ra nguồn tiền kịp thời để doanh nghiệp hồi phục sau dịch.
Thông tư 14 mở rộng hỗ trợ khách hàng
Theo ông Nguyễn Đình Dương - Chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Pinetree, Thông tư 14/2021/TT-NHNN của NHNN là quy định "tính cho khách hàng". So với Thông tư 01/2020, phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh trong tháng 7/2021. Thời gian thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí cũng được kéo dài thêm 6 tháng, đến hết tháng 6/2022 thay vì đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên theo ông Dương, hiện các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện trích khoản dự phòng rủi ro bổ sung theo tiến độ cũ, tức tối thiểu là 30%, 60% và 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung trong các năm 2021, 2022 và 2023. "Điều này củng cố thêm đánh giá của tôi về mục đích chính của Thông tư 14 là hỗ trợ khách hàng nhiều hơn hỗ trợ ngân hàng", ông Dương nhận định.
Nguồn: