Thông tư 22 sẽ tác động thế nào đến hoạt động mở rộng tín dụng của NHTM và nhu cầu vay vốn nhà ở của người dân?

22/11/2024
Có chuyên gia cho rằng, NHNN còn khá nhẹ tay đối với phân khúc bất động sản khi chưa áp dụng ngay hệ số rủi ro 150% mà áp dụng tạm thời mức 120% trong cả năm 2020 và đến đầu năm 2021 mới áp hệ số rủi ro trên.

LTS: Ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020 (Thông tư 22).

Chúng tôi cũng đã có nhiều bài viết về những thay đổi của Thông tư 22 cũng như tác động đến hoạt động của các ngân hàng. Mới đây trên website của Ngân hàng Nhà nước có thêm phân tích về tác động của Thông tư này, chúng tôi xin đăng tải lại để quý độc giả tiện theo dõi.

Theo các chuyên gia, quy định giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 22 theo lộ trình giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động, điều chỉnh danh mục tín dụng theo cơ cấu hợp lý, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Đồng thời việc tăng hệ số rủi ro góp phần giúp ngân hàng thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh bất động sản. Từ đó giảm thiểu rủi ro cho thị trường bất động sản, giúp thị trường này hoạt động lành mạnh, ổn định hơn.

Tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 01/10/2022

Trong Thông tư 22 mới được ban hành, NHNN qui định lộ trình giảm tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Cụ thể: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2020: 40%; Từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021: 37%; Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022: 34%; Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022: 30%.

Như vậy, so với Thông tư 36, Thông tư 22 tiếp tục quy định giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, quy định này nhằm từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và từ mức 40% xuống 30%, không phải là giãn lộ trình so với Thông tư 36 (Thông tư 36 quy định kể từ ngày 01/01/2019, ngân hàng, chi nhánh NHNNg được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, không có lộ trình xuống 30%).

Ngoài ra, việc xây dựng lộ trình giảm dần tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn được xem là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển. Tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN về tỷ lệ này và số liệu kinh tế vĩ mô, diễn biến tình hình kinh tế trong năm 2019 và các năm tiếp theo cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chủ trương về phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2025, NHNN đã điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Đồng tình với quy định này tại Thông tư 22, TS. Bùi Quang Tín nhận định quy định giảm tỷ lệ theo lộ trình vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát về chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay, đồng thời giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động (tăng cường các giải pháp nhằm tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn và bền vững), điều chỉnh danh mục tín dụng theo cơ cấu hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực an toàn, hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Không ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của NHTM

Việc quy định giảm tỷ lệ theo lộ trình giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động (tăng cường các giải pháp nhằm tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn và bền vững), điều chỉnh danh mục tín dụng theo cơ cấu hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực an toàn, hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Số liệu giám sát của NHNN trong thời gian qua cho thấy, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo lộ trình như quy định không ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài có room nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn rất lớn, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đa số không sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, thậm chí nguồn vốn trung, dài hạn còn dư thừa để cho vay trung, dài hạn; trong khi khối NHTM trong nước thường xuyên tuân thủ tỷ lệ theo quy định và sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thấp. Số liệu về tỷ lệ tối đa nguồn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn thời điểm 30/9/2019 như sau: bình quân của khối NHTM Nhà nước là 29,79%, khối ngân hàng thương mại cổ phần 30,89%, khối ngân hàng liên doanh là 28,97%, khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 7,53%.

Như vậy, có thể thấy, mục tiêu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% trong hơn 2 hoặc 3 năm tới không phải là áp lực quá lớn. Trên tổng thể thị trường thì đây là mục tiêu khả thi, và vì vậy mức tác động được dự báo trong tầm kiểm soát.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng tán thành quy định về giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% theo lộ trình mà NHNN đưa ra. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Trong khi huy động vốn là kỳ hạn ngắn, cho vay lại chủ yếu là kỳ hạn dài, trong đó vay bất động sản và cho vay trung dài hạn quá lớn sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản cho ngân hàng. Do vậy, việc NHNN có điều chỉnh về tỷ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng góp phần giúp ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay, cân đối nguồn vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế hơn sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ khu vực tư nhân như thông qua kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn. Điều này một mặt sẽ khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển, mặt khác giảm rủi ro cho khu vực ngân hàng.

"Lộ trình giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn là một thông điệp mạnh mẽ cho các ngân hàng để tái cơ cấu lại cả nguồn vốn huy động và danh mục tín dụng, để tiến đến một hệ thống ngân hàng lành mạnh và ổn định hơn" – ông Nguyễn Trí Hiếu đánh giá. Ông cho biết thêm, trên giác độ thông lệ quốc tế, quy định quản lý rủi ro thanh khoản (trong đó có rủi ro về độ lệch kỳ hạn do dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn) được chú trọng, nhất là sau khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2007-2009, thể hiện qua một số chỉ tiêu về nguồn vốn ổn định, về khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại được quy định chặt chẽ trong Hiệp ước an toàn vốn (Basel III, hiệu lực có lộ trình từ năm 2013-2019).

Tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay phục vụ đời sống từ 4 tỷ đồng trở lên

Tại Thông tư 22, bên cạnh việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 1/10/2022, một quy định đáng chú ý tại Phụ lục Thông tư là việc NHNN đã tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay phục vụ đời sống cá nhân có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên, trong đó phần nhiều là vay mua bất động sản.

Cụ thể, các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2020, và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.

Đặc biệt, đối với khoản vay phục vụ kinh doanh bất động sản, hệ số rủi ro tiếp tục áp mức 200% như Thông tư 36 trước đây (từ 01/01/2017).

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định các khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng có hệ số rủi ro 50%. Theo đó, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay để phục vụ mục đích mua nhà ở xã hội sẽ có hệ số rủi ro 50% khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Thứ nhất là khoản vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; Thứ hai, các khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng (cùng với số vốn tự có 30% thì khách hàng có thể mua được nhà ở có giá trị khoảng 2,1 tỷ đồng).

Không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn về nhà ở của người dân

Các chuyên gia đánh giá quy định này không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi 50%).

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, quy định trên không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để phục vụ nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người có thu nhập thấp, cũng như các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đồng thời, hệ số rủi ro 100% vẫn được áp dụng đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống có số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 4 tỷ đồng - mức dư nợ được đánh giá là hợp lý để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân.

Đồng tình với các quy định tại Thông tư 22, TS. Bùi Quang Tín nhận định, việc điều chỉnh hệ số rủi ro cũng nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội (phân khúc đang thiếu nguồn cung). Do đó quy định tại Thông tư không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Đồng thời, các quy định này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực, uy tín để huy động vốn trên thị trường vốn trong nước cũng như quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, phù hợp với xu hướng của quốc tế hiện nay.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thay đổi trên tại Thông tư 22 cho thấy định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống. Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, NHNN đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ về kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, đồng thời gián tiếp yêu cầu các ngân hàng cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.

Bước đi thận trọng và hợp lý

Ngoài ra, xét ở góc độ rủi ro, TS. Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với hệ số rủi ro của NHNN đưa ra. Đối với khoản vay có giá trị lớn từ 4 tỷ đồng trở lên, việc tăng hệ số rủi ro cao hơn là hoàn toàn hợp lý để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Thậm chí theo vị chuyên gia này, NHNN có thể áp dụng hệ số rủi ro đối với khoản vay từ 3 tỷ đồng trở lên như Dự thảo lấy ý kiến trước đó về vấn đề này. Có chuyên gia còn cho rằng, NHNN còn khá nhẹ tay đối với phân khúc này khi chưa áp dụng ngay hệ số rủi ro 150% mà áp dụng tạm thời mức 120% trong cả năm 2020 và đến đầu năm 2021 mới áp hệ số rủi ro trên.

Tuy nhiên, việc NHNN chưa áp dụng ngay hệ số rủi ro 150% được đánh giá là bước đi hợp lý để tránh "sốc" cho thị trường. TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, việc đưa ra lộ trình thêm 1 năm của NHNN là phù hợp, sẽ giảm bớt áp lực phần nào cho cả người cho vay và đi vay. "Việc NHNN kiên định giữ một thái độ thận trọng với tín dụng bất động sản là cần thiết" – ông nói.

Thực tế, thị trường bất động sản ở Việt Nam khá nhạy cảm. Kênh dẫn vốn cho bất động sản tại Việt Nam chủ yếu có các nguồn chính từ chủ đầu tư, ngân hàng, khách hàng. Trong khi tại các nước khác, kênh dẫn vốn đa dạng hơn rất nhiều từ chứng khoán, các quỹ đầu tư…Các ngân hàng chủ yếu là vốn huy động kỳ hạn ngắn trong khi các khoản vay đa số là trung, dài hạn, điều này rủi ro đến thanh khoản ngân hàng.

Theo các chuyên gia bất động sản, quy định mới sẽ giúp thanh lọc những chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, chỉ dựa vào vốn ngân hàng, gây nhiều rủi ro. Quy định về tăng hệ số rủi ro góp phần giúp ngân hàng thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh bất động sản. Từ đó giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu. Điều này cũng giúp thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh, ổn định hơn.

Trong định hướng điều hành, NHNN chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có lĩnh vực bất động sản).

Nguồn: