Thu bền vững từ dịch vụ phi tín dụng

15/01/2025
Giới chuyên gia nhìn nhận, khi hoạt động tín dụng bị ảnh hưởng dưới sự ảnh hưởng khốc liệt của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng sẽ giúp cho ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu phù hợp, bền vững hơn.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, không còn quá cao như thời gian trước. Không chỉ cơ quan quản lý mà bản thân các ngân hàng đều nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với chất lượng thì mức tăng đó mới thật sự hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, tăng tỷ trọng hoạt động dịch vụ phi tín dụng là xu hướng tất yếu của các ngân hàng trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, khi phấn đấu đến cuối năm 2025 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16-17%.

Thu bền vững từ dịch vụ phi tín dụng - Ảnh 1.

Hoa hồng phân phối bảo hiểm kỳ vọng đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ


Đặc biệt giới chuyên gia đều nhìn nhận, khi hoạt động tín dụng bị ảnh hưởng dưới sự ảnh hưởng khốc liệt của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng sẽ giúp cho ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu phù hợp, bền vững hơn.

Báo cáo phân tích được đưa ra cuối tháng 5 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra rằng, cơ sở khách hàng, cả cá nhân và doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua đã mang lại lợi ích cho ngân hàng trong việc tạo ra thu nhập phí như dịch vụ thanh toán, bảo hiểm, dịch vụ quản lý tiền mặt… Khi nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 được công bố, thực tế đã cho thấy thu từ dịch vụ của phần lớn ngân hàng gia tăng đáng kể.

Như ở Vietcombank, thu ngoài lãi tăng 60% nhờ vào tăng thu dịch vụ, doanh số bán chéo bảo hiểm nửa đầu năm của ngân hàng này đạt khoảng 500 tỷ đồng. Viet Capital Bank thu từ hoạt động dịch vụ tăng 58% nhờ đẩy mạnh hoạt động thẻ và dịch vụ bảo hiểm. LienVietPostBank thu thuần dịch vụ tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó riêng thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90%. Techcombank cũng ghi nhận tăng trưởng dịch vụ tốt với mức 31,5% đạt 2.800 tỷ đồng, riêng thu nhập phí liên quan tới chứng khoán tăng trưởng 18,4%...

Tính tới hết tháng 6/2021, SeABank thu tuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh lên 469,2 tỷ đồng - tăng 311% khi tập trung phát triển các sản phẩm online, thẻ, ứng dụng ngân hàng số SeAMobile. Lãi thuần dịch vụ của ACB trong 6 tháng đầu năm đạt 1.511 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu tới từ mảng bảo hiểm; kinh doanh ngoại hối đạt 427 tỷ đồng tăng 44,7% so với cùng kỳ; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 205 tỷ đồng - tăng 2,4 lần so cùng kỳ. Riêng về lĩnh vực dịch vụ, ACB đặt mục tiêu ghi nhận thêm 1.300 tỷ đồng doanh thu phí vào cuối năm 2021. TPBank có sự đa dạng hoá trong nguồn thu khi thu nhập thuần từ dịch vụ bao gồm thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước. SCB có kết quả thu ngoài lãi ấn tượng với hơn 3.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động trong nửa đầu năm 2021 của ABBank có đóng góp lớn từ thu thuần phí và dịch vụ với mức tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm 2020…

Theo TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là dịch vụ) sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ… Đặc biệt, thu từ hoa hồng phân phối bảo hiểm kỳ vọng tiếp tục đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ, nhất là với những nhà băng có thế mạnh bancassurance.

Chẳng hạn MSB vừa qua đã có hợp tác độc quyền với Prudential Việt Nam trong 15 năm, SSI ước tính ngân hàng sẽ nhận được phí trả trước khoảng 80-90 triệu USD (tương đương 1.900-2.100 tỷ đồng). Vietcombank có thoả thuận độc quyền hợp tác với FWD trị giá đến 400 triệu USD, theo kế hoạch thì ngoài 1.700 tỷ đồng phí trả trước, Vietcombank có thể thu về 1.110 tỷ đồng hoa hồng bảo hiểm trong năm 2021. ACB cũng hợp tác độc quyền với Sunlife trong 15 năm và khoản phí trả trước ngân hàng có thể nhận được ước tính là 8.500 tỷ đồng…

Ngoài ra, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng lãi từ dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt trong dài hạn, khi sự phát triển của nền kinh tế đi kèm với sự tăng trưởng hoạt động thương mại nội địa và xuất nhập khẩu sẽ thúc đẩy thu nhập dịch vụ của các ngân hàng từ các hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế. Dù hiện nhiều ngân hàng đang miễn phí giao dịch trực tuyến nhưng theo ACBS, trong tương lai đây sẽ là nguồn thu tiềm năng lớn khi xu hướng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Thu từ dịch vụ cũng thể hiện nỗ lực của các ngân hàng trong đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo xu hướng và yêu cầu đặt ra của cơ quản quản lý.


Nguồn: