Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động nặng nề đến kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tác động xấu đến kết quả thu ngân sách 9 tháng đầu năm. Cụ thể, thu ngân sách 9 tháng năm 2020 đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (ước thu 9 tháng chỉ đạt 66,4% dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, trong quý 2, do thực hiện giãn cách xã hội, thu ngân sách sụt giảm 12% so với cùng kỳ (đã loại trừ số thuế gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP). Bước sang quý 3, kinh tế có dấu hiệu hồi phục trở lại (GDP quý 3 tăng 2,62%), tuy nhiên, số thu ngân sách vẫn giảm khoảng 7,2% so với cùng kỳ (đã loại trừ yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế).
Tổng cục Thuế cho rằng, nếu diễn biến thu không được cải thiện, thu ngân sách quý 4 không hồi phục được như diễn biến tăng trưởng kinh tế qua từng quý vừa qua, dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ hụt lớn so với dự toán.
Cùng với việc kinh tế những tháng cuối năm phục hồi chậm và được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ tiếp tục xem xét mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian, nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân nên nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm phát sinh rất thấp.
“Nếu không có sự quản lý sát sao, chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thu, nhiều địa phương thậm chí có thể hụt thu so với số ước thu năm 2020 mà UBND tỉnh, TP đã thống nhất đánh giá với Bộ Tài chính để báo cáo Quốc hội, từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc điều hành cân đối vĩ mô năm 2020 của Chính phủ”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Rà soát, đôn đốc từng nguồn thu
Để tiếp tục triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nguồn phát sinh năm 2020 vào ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... Từ đó, đưa chính sách vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh, từng bước ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh, có nguồn lực tài chính để nộp thuế đúng hạn, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh, song song với việc hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp, người dân được hưởng đầy đủ các gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ quan Thuế cần tập trung lực lượng cho công tác quản lý thu, chống thất thu, khai thác tăng thu đối với những nguồn thu còn tiềm năng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự toán thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2020.
Đặc biệt, kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế trên hệ thống quản lý người nộp thuế để đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với các khoản thu không thuộc diện được gia hạn, miễn giảm và những khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP theo đúng quy định, tránh tình trạng phát sinh số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp thuế do người nộp thuế không nắm bắt kịp thời về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế.
Các cục thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, ngành Thuế sẽ kiên quyết cưỡng chế, xử lý thu hồi nợ thuế đối với các doanh nghiệp dây dưa, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế, các doanh nghiệp có khả năng nộp thuế đầy đủ nhưng nộp thuế không đúng hạn, lợi dụng chính sách hỗ trợ tiền thuế của Nhà nước để nợ đọng, chiếm đoạt tiền thuế./.
Nguồn: