Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố BCTC Hợp nhất quý 2/2019. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 181 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đi chi tiết vào kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng lại cho thấy nhiều điểm đáng chú ý, nhất là việc lãi từ hoạt động cốt lõi lao dốc.
Cụ thể, là một ngân hàng có quy mô dư nợ cho vay lớn thứ 5 trong hệ thống, thu nhập lãi thuần trong quý 2 của SCB chỉ vỏn vẹn 218 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ. Trước đó, thu nhập lãi thuần của nhà băng này trong quý 1 cũng chỉ đạt 48 tỷ, giảm 95% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần chỉ đạt 266 tỷ, giảm 90%.
Nguyên nhân sụt giảm mạnh đến từ việc chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng 24% trong khi thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự của nhà băng chỉ tăng 6%. Chi phí lãi (trong đó bao gồm trả lãi tiền gửi cho khách hàng) đang chiếm tới 98% thu nhập từ lãi của SCB.
Trong khi hoạt động cốt lõi kém khả quan, các mảng kinh doanh khác lại tăng trưởng đột biến. Lãi từ hoạt động dịch vụ của SCB tăng tới 46% đạt 749 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi lên 33 tỷ. Lãi từ hoạt động khác tăng đột biến 4,3 lần, đạt hơn 800 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán cũng có kết quả tích cực hơn, đạt lãi 291 tỷ, tăng 20%.
Tổng thu nhập hoạt động của SCB trong nửa đầu năm đạt 2.140 tỷ, giảm 41% so với cùng kỳ. Ngân hàng cũng tiết giảm chi phí hoạt động xuống mức 1.666 tỷ đồng, thấp hơn so với 1.671 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng của ngân hàng giảm mạnh 84%, từ mức 1.852 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018 xuống còn 294 tỷ đồng.
Như vậy, với việc giảm mạnh chi phí dự phòng, đồng thời ghi nhận tăng trưởng đột biến ở các mảng phi tín dụng, SCB vẫn có lãi 181 tỷ đồng trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng 45% so với cùng kỳ.
Cuối tháng 6, tổng tài sản của SCB tăng 5,8% so với hồi đầu năm, đạt 538.629 tỷ đồng, là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn thứ 5 trong hệ thống. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9% đạt 316.900 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 8,9% đạt 419.322 tỷ đồng. Huy động vốn từ phát hành giấy tờ có giá cũng tăng mạnh 13% lên hơn 37.800 tỷ đồng.
Ngân hàng đang còn khoản phải thu lên tới 60.126 tỷ đồng, giảm 3,8% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, các khoản lãi và phí phải thu tiếp tục tăng 2% lên 49.290 tỷ đồng.
Nguồn: