Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ đầu năm đến nay, làm thế nào để quan tâm sức khỏe doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng công cụ để khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, kể từ khi bị tác động bởi dịch Covid-19. Kết quả của cuộc khảo sát đã được thể hiện trong các báo cáo tham mưu của Bộ với Chính phủ.
Với tình hình 9 tháng, có thể thấy rằng sau 9 tháng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn tuy nhiên vẫn đỡ hơn rất nhiều so với hồi đầu năm. Kết quả thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng vừa qua. Tình hình doanh nghiệp có cải thiện nhưng còn khó khăn.
Trong các báo cáo điều tra của Tổng cục Thống kê và phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì một số lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp dịch vụ lữ hành du lịch. Đây là hai lĩnh vực bị tác động trực tiếp bởi Covid-19. Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may da giày là hai ngành có cầu thế giới bị tác động tức thời và giảm sâu nhất, thì đến nay cũng "túc tắc" có hợp đồng dù quy mô nhỏ, chưa đạt được như trước Covid-19.
"Chúng ta thấy triển vọng khá hơn từ nay đến cuối năm nếu như không có gì xảy ra" - Thứ trưởng nhận định.
Đối với doanh nghiệp lữ hành, gần như dịch vụ du lịch quốc tế đóng băng. Do vậy các doanh nghiệp đón khách quốc tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động cũng như nuôi bộ máy, giữ người lao động. Thủ tướng chỉ đạo 3 tháng cuối năm làm sao đưa ngành du lịch hoạt động trở lại, tập trung thị trường trong nước, đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói: "Chúng tôi kỳ vọng ngành du lịch có thể trở lại một phần".
Còn việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bảo vệ báo cáo kinh tế xã hội 2020-2021 trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Số liệu đánh giá sơ bộ về các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế cũng đã thể hiện rõ cả 3 khía cạnh: nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khóa và hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, đều có kết quả cụ thể.
Trong đó, phần giải ngân đối với gói hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm đạt khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực và kết quả khá tích cực mà các bộ, ngành cũng đang rà soát báo cáo chính phủ về kết quả của các hỗ trợ lần một, cũng như sẽ có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới. Nếu cần thì có thể sẽ kiến nghị thêm các chính sách mới.
Tuy nhiên, chúng ta hết sức lưu ý nguồn vốn tín dụng cho các ngân hàng của khối doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có rất nhiều giải pháp quyết liệt đến mức rất sâu về mặt lãi suất cũng như chi phí để kích thích doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải ý thức được rằng nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn thị trường, có giá vốn và có cung cầu. 9 tháng vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng gần 5% cũng là mức khá tích cực. So tương quan tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi tăng trưởng GDP.
Như năm ngoái, với mức tăng trưởng gần 7% mà tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng xấp xỉ 10%. Năm nay, tốc độ tăng 4,99% là rất tích cực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay và cũng muốn vay, bởi lẽ còn phải giải quyết vấn đề đầu ra đầu vào, có thị trường, có nguyên liệu mới vay vốn để làm được. Nếu như không có 2 điều kiện tiên quyết đầu ra, đầu vào thì nhu cầu vay vốn là không có.
"Đó là câu chuyện chúng tôi cũng rất muốn quan tâm, mấu chốt của câu chuyện là đầu ra của doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ giám sát và phối hợp với các bộ ngành để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng" - Thứ trưởng kết luận.
Nguồn: