Doanh nghiệp vẫn vướng thủ tục
Theo báo cáo kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, tính đến 20/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17% cao hơn 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã giảm với những khoản dư nợ hiện hữu từ giữa tháng 7 đến hết năm 2021. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đang ở mức 4,4% một năm, lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6% một năm. Còn ở chiều ngược lại, do duy trì mức lãi suất thấp nên tình hình huy động vốn của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,28%, thấp hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn trong tiêu dùng hàng hóa và nhiều những khó khăn đã bào mòn nội lực của doanh nghiệp, khiến cho việc tiếp cận tín dụng trở thành một bài toán sống còn, nhưng hành trình tìm kiếm nguồn vốn của doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm vẫn còn trắc trở.
Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Green Pan cho biết, trong năm 2021, công ty đã được các ngân hàng hỗ trợ tín dụng để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Có một thuận lợi đó là, trong 6 tháng cuối năm Green Pan đã ký được những hợp đồng lớn, do đó được ngân hàng tăng hạn mức tín dụng để tái cấp vốn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn nhập nguyên vật liệu và duy trì sản xuất.
“Gói tín dụng mới cơ bản đang đáp ứng được hoạt động kinh doanh của công ty, tuy nhiên chúng tôi vẫn hy vọng, sang năm sẽ được ngân hàng tiếp tục tăng hạn mức để nguồn tài chính vững vàng hơn và có thể mở rộng hoạt động sản xuất trong năm 2022”, ông Long bày tỏ mong muốn.
Bên cạnh những doanh nghiệp may mắn được hỗ trợ về vốn thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được các khoản vay từ các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp này không đáp ứng được nhiều tiêu chí ngân hàng đưa ra, trong khi nhu cầu về vốn để sớm trở lại giai đoạn bình thường mới là cấp thiết.
Bà Hoàng Thị Như Yến
Về khó khăn này, bà Hoàng Thị Như Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng KPY cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã từng hỏi đến 4-5 ngân hàng để đề nghị được vay vốn, nhưng ở thời điểm này các quy định rất ngặt nghèo, đòi hỏi nhiều tiêu chí trong khi công ty không thể đáp ứng được. Hiện chúng tôi đang phải gồng mình để tiếp tục duy trì hoạt động, nhưng có những đơn vị đã vượt quá khả năng thì chỉ có thể buông bỏ và hậu quả là người lao động bơ vơ”.
Bà Yến cho biết thêm, thời điểm này doanh nghiệp cần vay một khoản xấp xỉ 10 tỷ đồng để chi trả cho các vấn đề như lương, chuẩn bị nguyên vật liệu và khởi động lại hoạt động dự án. Nhưng ngân hàng thông báo họ vẫn đang cần các báo cáo thuế dương trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên hai năm qua, do COVID-19 bùng phát khiến kinh doanh vẫn đang lỗ. Ngoài ra, ngân hàng cần tài sản bảo đảm phải được định giá, mà trong quá trình dịch, giãn cách xã hội không có đơn vị thẩm định giá thực hiện việc này. Kế đó, ngân hàng cũng phải xem được cam kết trả nợ của công ty, trong bối cảnh công trường xây dựng vẫn chưa thể triển khai và có kết quả ngay, thì phương án trả nợ cũng chỉ là trên giấy. Với những lý do trên nên công ty xây dựng của bà Yến đã không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng.
Có thể thấy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang loay hoay khi tiếp cận chính sách này. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Doãn Giang, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH San Hà cho biết, khi công ty trao đổi với phía ngân hàng, dù nhận được sự thấu hiểu của ngân hàng, nhưng từ chính sách đến thực tiễn khác nhau hoàn toàn. Để vay một gói tín dụng cần phải có thủ tục theo đúng quy trình của ngân hàng và NHNN, từ những chính sách đó có những điểm chưa rõ ràng và cập nhật kịp thời, nên doanh nghiệp chỉ có thể chờ đợi và cũng chưa có phương án nào cụ thể. Đến nay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được vốn vay.
“Nhiều người nghĩ trong mùa COVID, các doanh nghiệp thực phẩm vẫn kinh doanh tốt, nhưng thực tế doanh nghiệp có rất nhiều khó khăn, việc duy trì hoạt động chỉ có tính chất cầm cự, thua lỗ vẫn rất nhiều. Một số ngân hàng thì giảm lãi vay ngắn hạn tùy theo từng ngân hàng, nhưng các vướng mắc về thủ tục, chính sách khi trao đổi thì chưa thể tháo gỡ được, cho nên tiếng nói giữa doanh nghiệp và ngân hàng còn ách tắc”, ông Sơn chia sẻ.
Làm sao gỡ vướng?
Thiếu nguyên vật liệu, thiếu nhân công, thiếu dòng tiền... khiến nhiều dự án, công trường xây dựng khó trở lại hoạt động (ảnh minh hoạ)
Theo ông Đào Ngọc Long, sau đợt dịch kéo dài, các công ty đang rục rịch quay trở lại hoạt động nhưng còn chậm, doanh thu hạn chế. Do vậy, ông Long mong muốn Chính phủ và các ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực như tiếp tục gia hạn nợ trong thời gian phục hồi; xem xét giảm lãi suất xuống dưới mức 5%/năm thì các doanh nghiệp mới có nguồn vốn và tính toán được chiến lược cụ thể. Còn khi lãi suất cao, thu không đủ bù chi, doanh nghiệp sẽ bị tác động rất lớn.
Ông Nguyễn Doãn Giang
Bày tỏ về kiến nghị của mình, ông Nguyễn Doãn Giang cũng đề xuất bên cạnh việc điều chỉnh lãi vay, các ngân hàng cũng cần điều chỉnh các chính sách, thủ tục , tiêu chí cho vay một cách tối giản, để doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn.
Còn theo bà Hoàng Thị Như Yến, các công trường xây dựng hiện nay đang bị ngưng do thiếu nguyên vật liệu, thiếu nhân công và phương án trả nợ sẽ còn bị treo, trong khi tài sản đảm bảo của công ty vẫn nằm trong ngân hàng. Trước những thách thức chưa từng có tiền lệ này, thực sự cần có những cơ chế chính sách quyết liệt, mang tính thực tiễn để không để doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn và bỏ lại phía sau.
Chia sẻ trên báo chí, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ, cần ban hành một luật, một cơ chế đặc biệt để giúp doanh nghiệp được hỗ trợ vốn nhanh nhất, tốt nhất. Ví dụ, cho doanh nghiệp vay trực tiếp mà không có thế chấp tài sản, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng hay các hình thức khác giản tiện hơn. Về mặt kiểm soát, dù vẫn cần đánh giá thẩm định các phương thức sản xuất kinh doanh, tính khả thi cũng như xem xét giải pháp quản trị dòng tiền, nhưng không thể thiếu một cuộc cách mạng đặc biệt thì mới cứu được doanh nghiệp trong lúc “nước sôi lửa bỏng này”.
Nguồn: