Thúc đẩy điện mặt trời áp mái: Chính phủ, ngân hàng, người dân cùng vào cuộc

25/11/2024
Bên cạnh những dự án năng lượng tái tạo lớn, việc thúc đẩy tư nhân tham gia lắp đặt và khai thác điện mặt trời áp mái là giải pháp tăng cung điện và bảo mệ môi trường hữu hiệu.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức, sắp tới, mỗi hộ gia đình Việt Nam sẽ được nhận khoảng từ 3 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Thông tin được đưa ra tại hội thảo khởi động "Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam" mới đây tại TP HCM.

Tại hội thảo, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: "Chúng tôi hi vọng sẽ có 100 nghìn hệ thống điện mặt trời sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025. Bộ Công Thương cùng EVN đang nghiên cứu để áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân".

Theo ông Kim, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam còn rất lớn, khoảng 13.300 MW một năm, trong đó riêng TP.HCM có công suất ước tính khoảng 6.000 MW.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 5/7/2019 về Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo thống kê của EVN, tới 30.6.2019, đã có 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW được kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công. Dự kiến, đến hết cuối năm 2019, sẽ đóng điện đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 630 MW, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời trong toàn hệ thống lên 95 nhà máy.

Nhưng ngay cả như vậy và khi các dự án này được EVN mua điện với giá ưu đãi theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì nguồn cung điện vẫn chưa đảm bảo ổn đinh, bù đắp nhu cầu và khai thác được tối đa lợi thế tự nhiên để tái tạo năng lượng của Việt Nam. Khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp có mặt bằng áp mái, đặc biệt các khu công nghiệp phát triển điện mặt trời trên mái nhà để tự chủ động nguồn điện…càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa bền vững.

Ngoài cơ chế hỗ trợ tiền như nêu trên, hiện giá thành lắp điện mặt trời đang rẻ đi rất nhanh và chỉ còn khoảng 20 triệu đồng cho một gia đình, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN cho biết, cũng là lợi thế để thu hút người dân tham gia làm điện áp mái.

Cùng với đó, một động lực lớn để các doanh nghiệp, đặc biệt khối tư nhân chủ động khai thác mặt bằng áp mái của mình nhằm có điện thoải mái sử dụng sản xuất, giảm chi phí tiêu hao năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, là khi đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà, còn được tổ chức tín dụng có cơ chế ưu đãi lớn. Tại HDBank, doanh nghiệp lắp đặt điện áp mái sẽ hưởng ưu đãi vốn vay với tỷ lệ 70%, thời hạn cho vay 5 năm. Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng. Các hộ gia đình cũng có thể tiếp cận gói vay này tại HDBank với mức vay tối đa 200 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng. Ngoài ra, HDBank có đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống điện áp mái, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân an tâm và có nhiều chọn lựa trong việc quyết định lắp đặt điện áp mái.

Chỉ sau nửa năm triển khai gói tín dụng xanh, HDBank đã cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời áp mái với tổng mức cấp lên tới 300 tỷ đồng. Kế hoạch đến cuối năm nay, HDBank sẽ cấp 1.100 tỷ đồng cho các dự án điện sạch trên mái nhà.

Đại diện HDBank cho biết, gói tín dụng các doanh nghiệp xây lắp dự án điện mặt trời trên mái nhà thể hiện và khẳng định định hướng của HDBank trong việc trở thành ngân hàng xanh; thấu hiểu, cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất đồng thời hướng tới những giá trị bền vững, giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng địa phương và quốc gia.

HDBank cũng đã triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch – dự án điện mặt trời với tổng số vốn lên đến 7.000 tỷ đồng, phục vụ các dự án điện mặt trời nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam.

Theo ông Sebastian Paust, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại VN, 70% điện mặt trời của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Tại Hàn Quốc, trong 1 hội thảo về năng lượng tại VN năm 2019, ông ông Seok Jai Choi (Cục Năng lượng Hàn Quốc) cũng cho biết Hàn Quốc đã khuyến khích lắp đặt pin mặt trời trên các công trình tư nhân như nhà riêng, cao ốc...Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 30% chi phí lắp đặt cho hộ gia đình. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ hỗ trợ chi phí lắp đặt và bắt buộc lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo ở các tòa nhà xây mới thuộc các cơ quan nhà nước.

Từ kinh nghiệm phát triển điện mặt trời áp mái của các quốc gia đi trước, đến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ qua các chính sách và sự hỗ trợ của các ngân hàng Xanh, cơ hội cho người dân thường -từ các doanh nghiệp, hộ gia đình trong vị thế người tiêu dùng sẽ trở thành nhà sản xuất điện và đóng góp trực tiếp vào việc giảm tác động đến hệ sinh thái- đang trở thành hiện thực.

Nguồn: