Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bứt phá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/11 với 25/27 mã tăng giá, chỉ PGB và EIB bị chốt lãi nên quay đầu sụt giảm. Diễn biến này trái ngược với thị trường khi các cổ phiếu những ngành khác đều sụt giảm mạnh, thậm chí như dòng bất động sản còn la liệt nằm sàn. Nhờ có lực đỡ từ nhóm bank nên VN-Index đóng cửa phiên chỉ mất có 5,1 điểm, lùi về 1.447,25 điểm.
Cụ thể, lúc đóng cửa phiên có đến 10 mã ngân hàng tăng trên 5%, trong đó dẫn đầu là VBB của VietBank tăng 10,7% và tiếp đến là BAB tăng 7,3%. Có 3 mã tăng giá kịch trần gồm HDB của HDBank, TPB của TPBank và VIB của Ngân hàng Quốc tế. Trong phiên, MSB và VBB cũng có lúc tăng kịch trần. Mã tăng ít nhất là SSB cũng có được 1,2%.
Với việc giá tăng cao, hôm nay cả HDB, TPB và MSB đều thiết lập kỷ lục cao mới kể từ khi lên sàn (đã tính yếu tố điều chỉnh do chia cổ tức và cổ phiếu thưởng).
Thanh khoản nhóm ngân hàng cũng mạnh mẽ với dòng tiền lớn chủ động mua ở các cổ phiếu như STB, MSB, MBB, LPB, CTG, HDB hay TCB. Trong số đó khối ngoại còn tích cực gom mua ở CTG và HDB với lần lượt mua ròng trên 2,4 triệu đơn vị và trên 1 triệu đơn vị.
Có hai cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh là VPB của VPBank với hơn 4,6 triệu đơn vị (không mua vào cổ phiếu nào) và TPB với lượng bán ròng gần 1,8 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh trong ngày 22/11
Cổ phiếu ngân hàng đã trải qua quý 3 và nửa đầu quý 4 không mấy thuận lợi, thậm chí nhiều mã như CTG, LPB, MSB, MBB, VIB... giảm sâu và hầu hết được xem là đã tạo đáy và kỳ vọng sẽ sớm bứt phá trở lại. Thực tế trong vài phiên gần đây, dòng tiền đã bắt đầu chảy vào cổ phiếu ngân hàng, giúp thị trường hưng phấn và là động lực quan trọng giữ cho VNINdex không bị rơi quá sâu trong các phiên điều chỉnh.
Nhận định về triển vọng cổ phiếu ngân hàng, theo các chuyên gia phân tích, về cơ bản trong giai đoạn vừa qua, nhóm ngân hàng đã có mức giảm tương đối lớn (phản ánh lo ngại lợi nhuận sụt giảm vì tác động của dịch bệnh) khiến P/B sụt giảm về vùng giá hấp dẫn. Thống kê của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho thấy, các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức trung bình 1,8x P/B dự phóng 2021 và 1,5x P/B dự phóng 2022, đây là mức định giá thấp so với mức ROE cao mà các ngân hàng tạo ra (trung bình là 18,5%). Bởi vậy, giới phân tích kỳ vọng dòng ngân hàng sẽ sớm trở lại là "cổ phiếu vua" trên thị trường.
Nguồn: