Tiền điện tử hay tiền ảo Libra dựa trên nền tảng blockchain vừa được Facebook chính thức ra mắt. Cùng với đó, nền tảng xã hội lớn nhất thế giới này cùng bày tỏ tham vọng tạo ra một hệ sinh thái tiền điện tử của riêng mình.
Facebook tham vọng tạo hệ sinh thái tiền điện tử
Dự án tiền điện tử Libra của Facebook dự kiến sẽ triển khai chính thức vào năm 2020. Theo CNBC, Facebook còn tạo ra ví điện tử Calibra để điều hành các giao dịch tiền ảo của mình và giữ các giao dịch tách biệt với dữ liệu xã hội.
Tiền ảo Libra vừa được ra mắt của Facebook được đánh giá là sự thách thức tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT).
|
Calibra sẽ hoạt động như một ứng dụng độc lập và nó sẽ tăng sức mạnh cho chuyển khoản ngang hàng và cuối cùng là thanh toán bán lẻ bao gồm cả mua hàng qua Instagram.
Với ví điện tử Calibra, Facebook tỏ rõ tham vọng của mình khi nói rằng họ mong muốn trao quyền cho hơn 1,7 tỷ người trên toàn thế giới hiện không có tài khoản ngân hàng.
Facebook cũng tuyên bố hệ sinh thái tiền điện tử Libra sẽ được điều hành bởi Hiệp hội Libra, với 29 thành viên khác nhau bao gồm cả một nhóm các đối tác như Visa, MasterCard và Uber. Dự kiến Hiệp hội sẽ đạt 100 thành viên khi nó ra mắt chính thức vào nửa đầu năm 2020.
Việc ra mắt Libra được đánh giá là sự thách thức lớn đối với tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng như mối nguy cho hệ thống ngân hàng và ngành tài chính.
Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp ngay sau khi đồng Libra được ra mắt, đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc trên Đài phát thanh Pháp về nguy cơ đồng tiền ảo này gây ra, nhất là với khả năng tiếp cận hơn 2,4 tỷ người dùng.
Ông Le Maire cũng kêu gọi cuộc họp khẩn cấp nhóm G7 trong tháng tới nhằm nghiên cứu, đánh giá rõ hơn những tác động mà đồng tiền ảo này có thể gây ra.
Bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ cũng cho rằng, Facebook nên tạm dừng phát triển đồng Libra cho đến khi Quốc hội và các nhà quản lý có thể xem xét kỹ lưỡng vấn đề và kêu gọi các giám đốc điều hành của công ty này trả lời trước Quốc hội.
“Facebook có dữ liệu của hàng tỷ người dùng và liên tục thể hiện sự coi thường việc bảo vệ và sử dụng cẩn thận nguồn dữ liệu này. Với việc họ có kế hoạch tạo ra một loại tiền điện tử, Facebook đang tiếp tục mở rộng hành vi không kiểm soát và phạm vi tiếp cận cuộc sống của người dùng”, bà Waters nhấn mạnh.
Khung pháp lý nào cho Việt Nam?
Trong khi nhiều quốc gia phát triển, kể cả các quốc gia đã chấp nhận tiền điện tử đang khẩn trương nghiên cứu các biện pháp đối phó, thì giới chuyên gia tài chính - ngân hàng tại Việt Nam cho rằng cần phản ứng thận trọng trước sự ra đời của đồng tiền này.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tiền điện tử là một lĩnh vực mới mẻ. Việc Facebook ra mắt tiền điện tử Libra thực sự là thách thức đối với các ngân hàng trung ương nói riêng và thách thức với các quốc gia nói chung, bởi lẽ đồng tiền chính là sự thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam cần phản ứng thận trọng đối với sự việc này.
"Chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về sản phẩm này. Bởi lẽ, hiện chúng ta có thể hình dung sơ lược về loại tiền này, nhưng chúng vận hành ra sao, quy trình hoạt động cụ thể thế nào cũng như quy mô tác động thì chúng ta vẫn chưa rõ", ông Hà Huy Tuấn cho hay.
"Facebook hiện đã có hơn 2,4 tỷ người dùng, tuy nhiên họ hoàn toàn có thể mở rộng ra những mạng xã hội khác cùng nền tảng như Instagram, Twitter. Hay các mạng xã hội khác cũng có thể tiếp bước tạo ra những đồng tiền điện tử riêng của mình. Vì thế, việc này cần sự nghiên cứu thấu đáo", ông Hà Huy Tuấn nêu ý kiến.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, việc Facebook ra mắt tiền ảo Libra như đưa ra một quả bom lớn trong giới tài chính - ngân hàng. Ngân hàng Trung ương cũng như Bộ Tài chính hầu hết các quốc gia đang có những phản ứng khá dữ dội.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng.
Đối với Việt Nam, hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng hành lang pháp lý, với hướng tiếp cận tiền ảo là tài sản ảo, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần có cách tiếp cận mới hơn.
Những đồng tiền ảo, trong đó có Libra chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường cũng như các giao dịch tài chính, vì thế, các nhà lập pháp cần có tư duy mới, nghiên cứu kỹ để nắm bắt được sản phẩm và đưa ra hành lang pháp lý kịp thời, hạn chế những rủi ro do tiền ảo gây nên.
"Những rủi ro khi thanh toán xuyên biên giới bằng tiền ảo rất khó kiểm soát hay việc đánh thuế trên những tài sản mà chúng ta cho là ảo sẽ rất khó khăn. Ngoài ra là nguy cơ rửa tiền thông qua các đồng tiền kỹ thuật số này lại là một câu chuyện khó khăn hơn nữa. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận rất mới đối với câu chuyện này", chuyên gia Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh./.
Nguồn: