Nếu như phản ứng im ắng của thị trường chứng khoán trước căng thẳng leo thang ở Trung Đông được xem như một dấu hiệu cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư trước rủi ro về một cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ và Iran, thị trường tiền ảo vẫn tiếp tục đà tăng giá mạnh.
Phố Wall đóng cửa tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, còn chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên giao dịch sáng thứ Ba. Trong khi đó, giá dầu trượt khỏi các mốc đạt vào đầu tuần, giá vàng cũng giảm sau khi chạm mốc cao nhất 7 năm.
Tuy nhiên, thị trường tiền ảo tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá. Đồng Bitcoin, tiền ảo được giao dịch nhiều nhất, tăng 4% trong ngày thứ Ba. Theo đó, kể từ ngày 3/1, khi chỉ huy quân đội quyền lực nhất của Iran Quasem Soleimani thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ, giá trị đồng Bitcoin đã tăng 15%.
Trong khi đó, các tiền ảo ẩn danh - cho phép thực hiện các giao dịch không thể theo dấu, như Monero và Dash, tăng giá hơn 30% kể từ sau cái chết của tướng Soleimani.
Các nhà phân tích và nhà giao dịch đưa ra hai cách lý giải trái ngược cho xu hướng tăng giá bền vững của tiền ảo so với sự đi xuống của các tài sản chính thống hơn.
Lý giải phổ biến là các nhà đầu tư ngày càng xem tiền ảo như một loại "vàng ảo" - "vịnh tránh bão" khỏi những can thiệp của chính phủ, rủi ro địa chính trị hay dư thừa nguồn cung do can thiệp của ngân hàng trung ương.
"Với sự leo thang của căng thẳng địa chính trị, có thể ngày càng nhiều nhà đầu tư sẽ quyết định tăng tỷ trọng của các sản phẩm đầu tư phi chủ quyền và phi tập trung như Bitcoin", Nigel Green, giám đốc điều hành của hãng tư vấn tài chính deVere Group dự báo.
Với các nhà đầu tư đi theo quan điểm này, những tài sản chính thống như dầu mỏ thường lập tức tăng giá sau một cú sốc về địa chính trị nhưng rồi giảm xuống mức giá trung bình dài hạn trước đó khi "khoảnh khắc sợ hãi" qua đi, giám đốc marketin Sheel Kohli, của sàn tiền ảo AAX đặt tại Hồng Kông, nhận định.
"Với đồng Bitcoin, các nhà đầu tư cảm thấy rằng họ có thể đưa đưa vào danh mục của mình và giữ trong dài hạn một cách an toàn mà không phải lo lắng về một sự biến động mạnh nào bởi đồng Bitcoin vốn không liên quan tới căng thẳng Mỹ - Iran", ông Kohli nói.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Iran cũng cho thấy rằng nhiều nhà đầu tư đang nhìn nhận tiền ảo theo một cách khác. Đây là cách lý giải của nhóm thứ hai.
"Chúng ta đang ở ngay giữa một sự kiện địa chính trị lớn. Chúng tôi đã nghiên cứu dữ liệu nhưng không thấy sự liên kết hay bằng chứng nào về phản ứng của bất kỳ loại tiền ảo nào tương tự như vàng", Christopher Flinos, chuyên viên giao dịch tại công ty Hayvn Capital có trụ ở Abu Dhabi, cho biết.
Khủng hoảng Iran đang cho thấy các nhà đầu tư đang xem tiền ảo như một cách để dịch chuyển vốn từ một tài sản chính thống này sang một tài sản khác.
"Bitcoin đang được xem như một công cụ để dịch chuyển vốn thay vì là một 'vịnh tránh bão'", Joshua Ho, chuyên viên giao dịch tại QCP Capital, đặt tại Singapore, nhận định. Việc đồng tiền này tăng giá "là một dấu hiệu chứ không phải là nguyên nhân của sự dịch chuyển dòng vốn".
"Khó có thể nhận định rằng nhà đầu tư tại các nền kinh tế vùng Vịnh lại xem tiền ảo là lựa chọn đầu tiên để 'tránh bão'", Robert Mogielnicki, học giả tại Viện nghiên cứu Các Quốc gia vùng Vịnh, đặt tại Washington DC (Mỹ), cho biết. "Lĩnh vực tài chính và ngân hàng phát triển tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain có rất nhiều loại tài sản để 'tránh bão'".
Tính ẩn danh của tiền ảo cộng với việc các giao dịch được bảo mật bằng mã hoá từ lâu đã khiến tiền ảo trở thành một tài sản đáng nghi trong mắt các nhà quản lý tài chính. Ở các nền kinh tế ổn định, giới chức quan ngại rằng tiền ảo có thể tạo điều kiện cho hoạt động phi pháp và rửa tiền.
Trong khi đó, ở các nền kinh tế bất ổn như Iran, hay Venezuela, tiền ảo có thể là một công cụ để chuyển tiền an toàn. Đây là điều đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là khi hàng nghìn người lao động nhập cư Đông Nam Á đang làm việc ở vùng Vịnh sử dụng tiền ảo - đặc biệt là đồng Tether, tiền ảo có liên hệ mật thiết với USD, để chuyển đổi từ các đồng nội tệ của nước sở tại sang USD. Xu hướng này có thể càng diễn ra mạnh mẽ sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh triển khai lực lượng quân đội tới vùng Vịnh để sơ tán hàng nghìn người lao động của nước này khỏi Iran và Iran do quan ngại bạo lực bùng phát.
Nguồn: