Đẩy mạnh huy động vốn
Theo thông tin từ NHNN Hà Nội, chỉ trong tháng 8/2019, các ngân hàng trên địa bàn có nhiều biện pháp huy động vốn, tăng cường tiếp cận các khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi nên nguồn vốn huy động tăng mạnh so với cuối năm 2018. Dự kiến đến ngày 31/8, tổng nguồn vốn huy động đạt 3.362.506 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 9,16%, tiền gửi thanh toán tăng 8,66%, tiền gửi bằng VND tăng 10,19%.
Quan sát trên thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong tháng 8 được nhiều NHTM điều chỉnh tăng. Đơn cử như ABBank với chương trình "Tiết kiệm An gia - Nhận quà lãi suất" áp dụng đối với sản phẩm tiền gửi VND cho khách hàng cá nhân từ nay đến hết tháng 10/2019. Ngân hàng này tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng lên 8,5%/năm. So với mức lãi suất cũ, ABBank tăng lần lượt 0,7% và 0,8%/năm cho mỗi kỳ hạn.
SHB cũng vừa triển khai chương trình "Ưu đãi chào thu" với mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn lên đến 7,8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng. Với kỳ hạn 9, 12 và 13 tháng, mức lãi suất tối đa lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm. SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB chia sẻ: Nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm, hiện các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài. Trong đó, chương trình "Ưu đãi chào thu" với kỳ hạn đa dạng và lãi suất hấp dẫn sẽ mang đến cho các khách hàng nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu. SHB cũng dành tặng lãi suất 0,6%/năm cho các khách hàng mở mới sổ tiết kiệm trả lãi trước, đồng thời phát hành mới hợp đồng bảo hiểm khi tham gia chương trình "Bảo hiểm đồng hành - An tâm tiết kiệm"; miễn phí bảo hiểm năm đầu dành cho gói sản phẩm "Tiết kiệm An Phúc"…
Từ ngày 20/8, Eximbank cũng tăng lãi suất các kỳ hạn 13, 15, 24, 36 tháng từ 8% lên mức 8,3 - 8,4%/năm. Với kỳ hạn tiền gửi 13 tháng, để hưởng lãi suất cao nhất 8,4%/năm khách hàng phải gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. OCB cũng đang có lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm với kỳ hạn 36 tháng. VIB cũng đã triển khai chương trình gửi tiền "ngày vàng" từ 20 - 24/8, với tiền gửi chỉ 100 triệu đồng khách hàng sẽ hưởng lãi suất đến 8,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 8,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Riêng với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, nhà băng này áp dụng lãi suất 9,1%/năm...
Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn để hút vốn trung dài hạn. Đơn cử VietCapitalBank vừa tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 10,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng huy động lãi suất chứng chỉ tiền gửi xấp xỉ mức 9%/năm như SHB có mức lãi suất 8,9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng; 8,8%/năm kỳ hạn 24 tháng; Viet A Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,1%/năm dành cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 24 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng...
Không còn thời vụ
Thị trường huy động được "hâm nóng", khách hàng cũng có thêm nhiều sự chọn lựa để tăng thêm giá trị lợi ích. Bằng cách đưa ra nhiều giá trị lợi ích qua các chương trình khuyến mãi, xây dựng những sản phẩm dịch vụ hiện đại tiện ích, một chuyên gia tài chính cho rằng, gửi tiền tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư truyền thống an toàn và được các khách hàng tin tưởng. Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất huy động đang rất cạnh tranh giữa các ngân hàng trên thị trường, gửi tiền ngân hàng tiếp tục là một trong những kênh tích lũy ưu thế hàng đầu của các gia đình.
Theo quan sát, hầu như các chương trình khuyến mãi hấp dẫn được các ngân hàng tung ra quanh năm nhằm thu hút khách hàng với giá trị hàng tỷ đồng, không còn mang yếu tố thời vụ như thời gian trước.
Lý giải về điều này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, lâu nay, huy động vốn là một trong những hoạt động chính của NHTM. Hay nói cách khác, trong hệ thống NHTM, vốn huy động được coi là yếu tố đầu vào thường xuyên và chủ yếu nhất. Công tác huy động tiền gửi tiết kiệm luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng nguồn vốn huy động của NHTM giúp cho ngân hàng duy trì được thanh khoản, bù đắp được thiếu hụt trong thanh toán, tăng nguồn vốn kinh doanh.
Việc các ngân hàng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi ngay từ đầu năm tới nay đồng nghĩa với nhu cầu huy động vốn ngày càng lớn để có thêm nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, sự gia tăng này đặc biệt còn để đáp ứng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NHNN (giảm xuống còn 40% từ đầu năm 2019 và có thể giảm xuống 35% vào năm 2020 và xuống 30% vào năm 2021).
"Nhà băng cho vay được thì càng có nhu cầu huy động vốn nhiều hơn. Bản thân các ngân hàng luôn mong có nguồn vốn rộng rãi để sử dụng cho vay theo lựa chọn của mình", vị này chia sẻ.
Tuy vậy, chuyên gia cũng lưu ý: những chương trình khuyến mãi cũng tiêu tốn khá nhiều chi phí của ngân hàng, nên nhà băng phải có những tính toán, cân đối chặt chẽ. Về phía khách hàng, theo chuyên gia, lãi suất là yếu tố người gửi tiền quan tâm đầu tiên nhưng cũng không nên quá tập trung chỉ vào lãi suất mà cần chú ý tới các yếu tố khác nữa như uy tín ngân hàng, chất lượng dịch vụ, tiện ích đi kèm của ngân hàng mình gửi tiền.
Thực tế, việc đa dạng hoá các sản phẩm tiết kiệm ngày càng được các nhà băng chú trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó là xây dựng và đưa ra các gói tiết kiệm tích luỹ cho tương lai, tiết kiệm an sinh, giáo dục, tiết kiệm tích luỹ từ lương, các loại tiết kiệm với kỳ hạn và lãi suất linh hoạt...
"Các ngân hàng hiện nay còn quan tâm rất nhiều tới việc đơn giản hoá các quy trình và thủ tục liên quan đến cung cấp dịch vụ gửi tiết kiệm nói riêng và các sản phẩm dịch vụ khác nói chung để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng tới giao dịch", chuyên gia chia sẻ.
Nguồn: