Tại cả 3 ngân hàng có CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng) lớn nhất hiện nay là Vietcombank, Techcombank, MBBank đều ghi nhận tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong quý 1/2020, do tác động của Covid-19.
Tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank chỉ tăng 0,6% trong quý 1/2020, đạt 934.048 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khoảng 7% xuống còn 244.256 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA của ngân hàng sụt giảm nhẹ từ mức 30,7% xuống còn 29,4%.
Còn tại Techcombank, tiền gửi không kỳ hạn đạt 72.173 tỷ đồng vào cuối quý 1, giảm gần 4.000 tỷ so với đầu năm. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA theo đó cũng giảm từ 34,5% xuống còn 32,2%. Đây có lẽ là lần đầu tiên Techcombank ghi nhận sụt giảm CASA mạnh như vậy sau khoảng 2 năm liên tiếp đẩy CASA lên cao nhờ chiến lược zero fee và đầu tư công nghệ.
Ngạc nhiên hơn là ở MBBank khi tiền gửi không kỳ hạn giảm tới 22% xuống còn 71.852 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ cũng đều giảm mạnh, lần lượt là 57,9% và 24% xuống còn 1.964 tỷ và 5.790 tỷ. Theo đó, CASA ngân hàng sụt giảm xuống còn khoảng 33%, nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành.
Nguyên nhân tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank sụt giảm có thể xuất phát từ nhóm khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng này giảm 24,5% xuống còn hơn 115.450 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của cá nhân vẫn tăng 4,6%.
Tại ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV, tiền gửi không kỳ hạn giảm 11,5% xuống còn 157.764 tỷ đồng. Tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm 42% xuống còn hơn 7.200 tỷ. Theo đó, dù tiền gửi có kỳ hạn vẫn tăng trưởng, tổng tiền gửi khách hàng tại BIDV lại phải ghi nhận sự sụt giảm 1,24%, xuống còn hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Hay tại một ngân hàng lớn khác là VietinBank, tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng cuối tháng 3 là 127.897 tỷ đồng, giảm hơn 18.500 tỷ tương đương giảm 12,6% so với đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn của VPBank cũng sụt giảm 8,8% trong 3 tháng đầu năm, xuống còn 25.243 tỷ đồng.
Không chỉ 3 ngân hàng trên, hàng loạt ngân hàng khác cũng bị sụt giảm ở nguồn tiền gửi này như TPBank, VIB, ACB, LienVietPostBank, Sacombank, Eximbank,...
Tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại, là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ ở mức 0,1-0,5%/năm. Ngân hàng sở hữu được nguồn vốn giá rẻ này sẽ có cơ hội giảm lãi suất cho vay hoặc nâng biên lợi nhuận, đồng thời cũng là một trong những yếu tố khẳng định chất lượng dịch vụ, uy tín của hệ thống.
Nếu Vietcombank và MBBank có được lợi thế CASA nhờ nguồn tiền gửi khổng lồ của các tập đoàn lớn, nắm trong tay hệ thống chi trả lương, thanh toán lương cho cán bộ, công chức trong nước thì Techcombank đã dùng chiến lược "Zero Fee" để lôi kéo khách hàng gửi tiền thanh toán vào ngân hàng.
Những năm trở lại đây, và đặc biệt là trong năm 2020, nguồn tiền gửi không kỳ hạn lại càng trở nên cực kỳ quan trọng với các ngân hàng thương mại khi họ phải giảm mạnh lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu củng cố và tăng CASA trong năm nay. VietinBank cho biết sẽ tập trung nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn, đặc biệt chú trọng tăng trưởng nguồn vốn có chi phí thấp (nguồn vốn ngoại tệ, tiền gửi thanh toán - CASA). VPBank cũng đã xác định 4 động lực thúc đẩy tăng trưởng chính trong năm 2020 trong đó muốn tăng Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và Transaction Banking để tối ưu hóa chi phí vốn.
Báo cáo thường niên của Vietcombank nêu rõ, ngân hàng sẽ đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ thông qua mở mới tài khoản khách hàng cá nhân, tăng cường thúc bán để khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tăng cường quan hệ với các khách hàng là Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp lớn, các quỹ quản lý vốn tập trung, các Bộ/Ngành có nguồn vốn lớn để thiết lập, duy trì, gia tăng thị phần tiền gửi tại Vietcombank.
Sự sụt giảm tiền gửi không kỳ hạn trong quý 1/2020 có thể chỉ trong thời gian ngắn, mang tính thời vụ khi đúng cuối năm Âm lịch, doanh nghiệp phải rút tiền để thanh toán chi phí và trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, mục tiêu tăng CASA trong năm nay là khá thách thức với các nhà băng. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và hoạt động kinh doanh hồi phục chậm sẽ ảnh hưởng không chỉ tới tín dụng mà còn tiền gửi. Thu nhập sụt giảm có thể khiến nhiều người dân gửi tiết kiệm ít hơn, thậm chí rút tiền ra để chi tiêu, còn doanh nghiệp bị giảm doanh thu cũng phải hạn chế để tiền thanh toán tại các ngân hàng.
Có lẽ do vậy nên các ngân hàng đang tìm cách để thu hút tiền gửi thanh toán của người dân bằng việc miễn, giảm phí dịch vụ. Hiện nay 100% các ngân hàng trong nước đã xác nhận miễn/giảm phí chuyển tiền cho khách hàng qua NAPAS. Trong đó có 14 ngân hàng đưa mức phí thu khách hàng về bằng 0, chiếm 49,1% lượng giao dịch miễn phí dịch vụ.
Nguồn: