Suốt từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay, tiền gửi vào các ngân hàng tại Mỹ không ngừng tăng lên, tuy nhiên năm nay có thể là một ngoại lệ, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải
Trong vòng 2 tháng gần đây, các chuyên gia phân tích trong ngành ngân hàng Mỹ đã hạ dự báo kỳ vọng mức tiền gửi tại nhóm các ngân hàng lớn nhất. 24 tổ chức tài chính trong nhóm chỉ số KBW Nasdaq Bank nhiều khả năng sẽ chứng kiến tiền gửi giảm ước tính 6% trong năm nay.
Còn theo tính toán của Tập đoàn Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), nhóm 24 ngân hàng này chiếm khoảng gần 60% trong tổng số 19 nghìn tỷ USD tiền gửi tại Mỹ ở thời điểm tháng 12/2021.
Dù rằng nhiều chuyên gia phân tích hoài nghi về khả năng tiền gửi cả năm liệu có giảm, thế nhưng cách đây chỉ vài tháng không ai dám nghĩ khả năng có điều này xảy ra. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 căng thẳng, tiền gửi của các ngân hàng đã tăng nhanh chóng.
Ở thời điểm cuối tháng 2/2022, các chuyên gia phân tích dự báo về mức tăng trưởng tiền gửi 3%, tuy nhiên từ đó đến nay, họ lại điều chỉnh giảm khá mạnh dự báo của mình, theo tính toán của FactSet.
Thay đổi về kỳ vọng có thể coi như chỉ báo quan trọng về việc quy trình điều chỉnh nâng lãi suất của Fed đang thay đổi nền kinh tế tài chính như thế nào. Các quan chức Fed và chuyên gia kinh tế giờ đây đang kêu gọi nâng mạnh lãi suất chủ chốt của Fed nhằm ứng phó với lạm phát.
Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành ngân hàng, nhiều khi theo những cách khó tưởng tượng được. Việc người tiêu dùng và doanh nghiệp xử lý lượng tiền mà họ có theo cách nào sẽ là điều được quan tâm nhiều nhất.
"Lần thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed lần này sẽ không giống bình thường, và chẳng có mô hình nào có thể mang đến cho chúng ta câu hỏi", CEO của JP Morgan Chase – ông Jamie Dimon viết trong thư gửi cổ đông vào cuối tuần trước.
Việc suy giảm tiền gửi nhiều khả năng sẽ không gây tổn hại đến các ngân hàng. Lượng tiền gửi ồ ạt vào ngân hàng đã khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng cảm thấy "đau đầu". Nhiều ngân hàng thậm chí còn không nhận khách gửi bởi họ không thể đưa tiền gửi thành các khoản tín dụng.
Theo tính toán của các chuyên gia phân tích ngân hàng Barclays, ngành ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi cao hơn so với khoản vay ước tính khoảng 8,5 nghìn tỷ USD và ngân hàng cần tiền gửi để phục vụ cho hoạt động cho vay, tỷ lệ trên dường như quá đủ. Ông Jason Goldberg, chuyên gia tại ngân hàng Barclays, phân tích: "Có các khoản tiền gửi mà họ không thực sự cần".
Cổ phiếu của các ngân hàng đã giảm cùng với quan điểm thay đỗi của Fed. Chỉ số KBW khởi đầu năm nay tăng lên khi mà chỉ số S&P 500 giảm điểm. Tuy nhiên, chỉ số đã giảm hơn 20% tính từ giữa tháng 1/2022 và đã giảm 9,4% trong năm nay, trong khi đó chỉ số S&P 500 đã mất hơn 8,5% giá trị.
Các ngân hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc lãi suất được điều chỉnh tăng. Họ sẽ có thể tính lãi cao hơn với khoản vay và vẫn giữ lãi suất gửi tiền ở mức thấp. Suy cho cùng, các ngân hàng sẽ không chấp nhận trả thêm tiền cho các khoản vốn mà họ không cần đến. Sự kết hợp này sẽ giúp làm tăng biên lợi nhuận vốn đang thấp kỷ lục.
Lần gần nhất Fed nâng lãi suất, tăng trưởng tiền gửi chững lại thế nhưng vẫn ở mức tích cực, và lần này nhiều người đang hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra.
Những điều gì đã xảy ra trong 2 năm qua chưa từng có tiền lệ. Trong tinh hình đại dịch COVID-19, người tiêu dùng tiêu mạnh số tiền kích cầu, doanh nghiệp trữ mạnh tiền mặt để đương đầu với tình trạng phải đóng cửa và nhiều vấn đề do chuỗi cung ứng. Tổng tiền gửi tăng 5 nghìn tỷ USD, mức tăng trưởng ghi nhận 35%, trong 2 năm qua.
Nguồn: