Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ những tháng đầu năm gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Báo cáo dẫn lại điểm xuất phát của năm 2021, với cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4%. Những cơ sở này để NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm khoảng 12% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN cho biết đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD phù hợp với năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, an toàn của TCTD và tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để tạo điều kiện cho TCTD hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD có đề nghị trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD và diễn biến thị trường.
Ở hướng trên, NHNN ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản , chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo trên cập nhật, đến ngày 09/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,84 triệu tỷ đồng, tăng 7,04% so với cuối năm 2020, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Như trên, thời gian qua NHNN chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng. Đây cũng là những mảng được nhà điều hành đánh giá có mức độ rủi ro tiềm ẩn thường lớn hơn những lĩnh vực khác.
Vậy, hệ thống đang cho vay ở những lĩnh vực đó ở mức độ nào?
Trước hết, NHNN cho biết, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đã giảm 3,57% so với cuối năm 2020, chỉ chiếm 1,07% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Dù chỉ mới cập nhật đến cuối tháng 7/2021, song dữ liệu ở các mảng tiềm ẩn rủi ro khác cho thấy những điểm đáng chú ý.
Trước hết, tính đến cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn tăng tới 9,88%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ cũng như tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành (6,92%), dẫn đầu các phân khúc tiềm ẩn rủi ro nói trên.
Với mức tăng trưởng trên, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đến cuối tháng 7/2021 chiếm tỷ trọng 20,11% (cùng kỳ 2020 tăng 5,47%, chiếm 19,87%).
Trong khi đó, cũng tính đến cuối tháng 7/2021, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư và kinh doanh chứng khoán chỉ tăng 1,3%, chiếm 0,47% (cùng kỳ năm 2020 giảm 15,83%, chiếm 0,3%).
Tương ứng cùng thời điểm cập nhật dữ liệu, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 6,37%, chiếm 20,02% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,25%, chiếm 20,09%).
Tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực theo phân nhóm tổng quan của NHNN
Nguồn: