Tín dụng tăng trưởng chậm, lo nợ xấu gia tăng vì Covid-19

22/11/2024
Hết 5 tháng đầu năm tín dụng mới tăng chưa đến 2%, và nửa đầu tháng 6 nhích thêm chút ít. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng đó là phù hợp.

Ngày 16/6/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020. Thông tin từ đại diện NHNN cho biết, đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

Tăng trưởng tín dụng đến 16/6 đạt 2,13%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%). Trong đó, tín dụng nông nghiệp tăng 0,3%, tín dụng xuất khẩu tăng 4,94%, tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92% so với đầu năm, công nghiệp phụ trợ 2,27%, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và tín dụng tiêu dùng cũng giảm.

Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.

Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Về triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch Covid -19 gây ra, sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Đến 8/6/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Công tác cơ cấu lại các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra tại Đề án 1058, tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD: quy mô hệ thống các TCTD được mở rộng; chất lượng tín dụng được cải thiện; năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế và tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện; việc triển khai Basel II tiếp tục được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

Trong lĩnh vực thanh toán, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dung tiền mặt (TTKDTM). Thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động trong 4 tháng năm 2020 đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019: (i) thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; (ii) thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; (iii) thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp, trả lời một số câu hỏi của phóng viên về mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng đó là phù hợp. Các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện vẫn được các ngân hàng đáp ứng đầy đủ. "Các ngân hàng thương mại luôn sẵn nguồn vốn cung ứng cho người dân trong giai đoạn trong và sau khi đại dịch kết thúc. Trong trường hợp cần thiết thì NHNN sẽ thực hiện tái cấp vốn", bà Hồng nói.

Về những tháng cuối năm, bà Hồng cho biết NHNN tiếp tục đặt trọng tâm vào việc tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu khó khăn bởi dại dịch Covid-19.

Với lo ngại về rủi ro nợ xấu phát sinh ở ngân hàng trong thời gian qua, đại diện NHNN cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa từ đầu, đặc biệt là với những ngân hàng đang phải tái cấu trúc theo kế hoạch đã được phê duyệt trước đây. Cơ quan quản lý cũng xác định chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng sẽ thay đổi vì dịch Covid-19, nên bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải rà soát, cập nhật và điều chỉnh và NHNN sẽ theo dõi sát sao, đặc biệt là với cơ quan thanh tra giám sát.

Trước đó tại Báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng với dịch Covid-19 đã lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trong đó, ngành kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng là nhóm có nhiều dư nợ bị ảnh hưởng nhất với 548.000 tỉ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ. Nhóm công nghiệp chế biến-chế tạo với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 520.000 tỉ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ, trong đó ngành chế biến thực phẩm, đồ uống bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ có 169.000 dư nợ bị ảnh hưởng chiếm 2% tổng dư nợ. Nhóm nông lâm nghiệp và thủy sản có số dư nợ bị ảnh hưởng là 157.000 tỉ đồng, chiếm 1,9% dư nợ nền kinh tế tập trung vào các ngành hàng rau quả, thủy sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu. Nhóm kinh doanh bất động sản có 145.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,75%; Nhóm vận tải có 139.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 1,68%; Nhóm các dự án BOT, BT có 110.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng, chiếm 1,35% tổng dư nợ,...

Theo ước tính của NHNN, trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát trong quí I, tỷ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9% - 3,2% vào cuối quí II và từ 2,6% - 3% vào cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quí II, tỷ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn. Điều này sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những TCTD yếu kém.

Nguồn: