Tín dụng thời Covid-19: Những ngân hàng tạo hiện tượng

15/12/2024
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành gặp khó vì Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn cho vay tốt những tháng đầu năm.

Tiền “tắc” vì Covid - 19

Tại cuộc họp với đại diện các ngân hàng thương mại hồi cuối tháng 4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua.

Trong khi đó, báo cáo tài chính (BCTC) mới công bố cho thấy, nhiều ngân hàng thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm như  Eximbank (-3,8%), Saigonbank (-2,3%), VietinBank (-1,25%), BIDV (-1%).

Và tới thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid – 19 cơ bản đã được kiểm soát thành công tại Việt Nam, thì con số tăng trưởng tín dụng vẫn chưa mấy khả quan khi cập nhật mới nhất từ lãnh đạo NHNN cho biết, đến đến hết tháng 5/2019, tín dụng chỉ tăng được 1,96% so với cuối năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo NHNN cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn nên vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Những “hiện tượng” đi ngược thị trường

Mặc dù tín dụng toàn hệ thống nhìn chung khá ảm đạm trong những tháng đầu năm, nhưng một số nhà băng vẫn tạo hiện tượng khi cho vay tăng trưởng mạnh.

OCB là một ví dụ. Theo BCTC hợp nhất quý I/2020, cho vay khách hàng của ngân hàng đến cuối tháng 3 đã đạt hơn 77,32 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng tới 8,76% so với đầu năm.

Tín dụng tăng trưởng tốt cũng giúp thu nhập lãi thuần của OCB trong kỳ tăng trưởng 31,4% so với cùng kỳ và chiếm tới gần 59% tổng thu nhập hoạt động, đạt 1.180 tỷ đồng.

SHB cũng là một trong những ngân hàng có tín dụng tăng tốt khi chỉ trong 3 tháng đầu năm, cho vay khách hàng đã tăng tới 6,4% so với đầu năm, đạt gần 282,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận từ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng trưởng mạnh tới 24,6%, đạt 1.684 tỷ đồng.

Và cập nhật mới nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tổ chức mới đây, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch ngân hàng cho biết, tín dụng đến 31/5 của ngân hàng đã đạt gần 291,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,88% so với đầu năm.

Tương tự, tại TPBank, cho vay khách hàng cũng tăng tới 5% khi kết thúc quý I/2020, đạt hơn 100,5 nghìn tỷ đồng.

Và chỉ một tháng sau, đến cuối tháng 4/2020, tín dụng của TPBank đã tăng tới gần 11%, thuộc hàng cao nhất hệ thống.

Một số ngân hàng khác cũng đạt tăng trưởng tín dụng khá tốt trong 5 tháng đầu năm bao gồm HDBank (8%), Sacombank (4,8%),…

Đáng chú ý, phần lớn các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt trong quý đầu tiên của năm đều thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, và là những thành viên đã đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II.

Trong khi đó, tại một cuộc họp mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ xem xét, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng nếu đáp ứng được một số điều kiện như đảm bảo được sức khỏe tài chính, tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ,…

Theo đó, trong bối cảnh tín dụng ngành tăng trưởng thấp, những ngân hàng tạo hiện tượng này sẽ nắm thêm cơ hội tăng thị phần.

Dù vậy, tín dụng tăng nhanh cũng đặt ra thách thức lớn là làm sao để kiểm soát chất lượng tài sản tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành, doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, xây dựng, lưu trú, ăn uống, dịch vụ, giáo dục và đào tạo…

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC) sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020.

Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu còn có thể cao hơn nếu doanh nghiệp chậm hồi phục, thị trường xuất khẩu tiếp tục gián đoạn.


Nguồn: