Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng trên địa bàn hiện đạt trên 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng dư nợ tín dụng trên toàn quốc.
Tín dụng tăng nhanh trong 4 tháng do nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể. Tín dụng bằng tiền đồng chiếm ưu thế, chiếm 93% và tăng trưởng cao hơn tốc độ bình quân khi đạt tới 7,6%.
Đáng chú ý, các khoản vay của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bứt phá mạnh mẽ, khi đạt mức tăng tới 23,4% so với cuối năm ngoái, đạt trên 400.000 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng VND đối với năm nhóm ngành, lĩnh vực (xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 196.000 tỷ đồng với lãi suất không quá 4,5%/năm.
Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, 76% trong tổng dư nợ của chương trình này.
Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. Lãi suất huy động tăng nhẹ chưa đến 0,2%, chủ yếu ở các sản phẩm tiền gửi đặc thù.
"Lãi suất huy động tuy có sự thay đổi song mức tăng không nhiều (tăng khoảng 0,17% - 0,2%/năm) và chủ yếu ở các loại sản phẩm tiền gửi đặc thù (như số tiền gửi lớn; kỳ hạn gửi trung dài hạn và gắn với sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như gửi tiết kiệm online, sử dụng dịch vụ ngân hàng số…).
Về cơ bản, lãi suất trên địa bàn trong bốn tháng đầu năm ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn phục hồi và tăng trưởng", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết.
Nguồn: