Trong vài năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã chứng kiến nhiều chuyển đổi mạnh mẽ như chuyển đổi ngân hàng số, tự động hóa quy trình, các đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công nghệ thông tin. Song hành với những đổi mới đó, các ngân hàng cũng dành nguồn lực đáng kể để kiện toàn nền tảng quản lý rủi ro của mình hướng đến những chuẩn mực toàn cầu.
Nhìn nhận 1 cách khách quan, những quy định mang tính bước ngoặt của NHNN đã tạo lập một nền tảng chung về quản lý rủi ro (Thông tư 13/2018/TT-NHNN), nâng cao chuẩn mực an toàn vốn (Thông tư 41/2016/TT-NHNN). Qua đó việc triển khai quyết liệt của các ngân hàng đã góp phần nâng cao sự lành mạnh và đặc biệt là sức đề kháng của hệ thống trước các biến cố bất thường của nền kinh tế.
Trong xu thế liên tục phát triển, nhiều ý kiến có cùng quan điểm rằng Thông tư 41 và Thông tư 13 là sự khởi đầu cho một hành trình dài hạn hơn, và có thể dự đoán rằng Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đặt ra một lộ trình thúc đẩy toàn hệ thống hướng đến những chuẩn mực cao hơn, khởi đầu một hành trình mới – Basel III.
Để thích ứng với sân chơi trong khu vực và toàn cầu, nhiều quốc gia đã và đang cập nhật và triển khai những quy định mới nhất của Ủy ban Basel mà chúng ta thường nói đến là Basel III và Basel IV. Ở Việt Nam, để chủ động đón đầu, một số Ngân hàng đã tích cực nghiên cứu và triển khai thử nghiệm những chuẩn mực này. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng thể hiện sự sẵn sàng và chủ đông của những tổ chức tín dụng tiên phong.
Trong quá trình khảo sát của KPMG về chủ đề này, lãnh đạo của của 1 Ngân hàng tiên phong đang phối hợp với KPMG triển khai Basel III cho biết: "Việc chủ động triển khai sẽ giúp Ngân hàng nhìn nhận những thách thức trong thực tế và chủ động có những phương án đầu tư triển khai hệ thống, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và các quy định đáp ứng các yêu cầu này. Triển khai sớm cũng là cơ hội để Ngân hàng thu hoạch sớm hơn những lợi ích quan trọng đem lại từ hệ thống quản lý rủi ro hiện đại. Suy nghĩ cho lợi ích chung, tôi coi đây là cơ hội để một Ngân hàng trong Hệ thống có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đóng góp thực tế với Cơ quan quản lý về lộ trình triển khai Basel III trong tương lai."
Với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hệ thống, đặc biệt trong sự cần thiết chuyển đổi quản lý rủi ro sau giai đoạn Covid-19, KPMG đã hỗ trợ nhiều định chế tài chính toàn cầu thực hiện cải cách và chuyển đổi hệ thống quản trị rủi ro của mình như số hóa quy trình rủi ro, nâng cấp các phương pháp đo lường vốn, triển khai toàn diện Basel III. Tại Việt Nam, KPMG tự hào là đơn vị tư vấn đầu tiên đang đồng hành với một Ngân hàng thực hiện xây dựng và triển khai những nội dung cốt lõi của Basel III.
Nguồn: