Cần thiết…
Theo NHNN, hiện không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty Fintech, trong khi đó hoạt động của các công ty này lại chủ yếu gắn với hoạt động kinh doanh có điều kiện là tài chính – ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động Fintech không có căn cứ pháp lý điều chỉnh có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường và khách hàng.
Chẳng hạn như rủi ro lạm dụng thị trường từ những hoạt động Fintech không chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý. Theo NHNN, việc thiếu các quy định pháp lý có thể dẫn tới việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức đầy đủ tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Fintech. Trong khi sự bỏ ngỏ trong công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý có thể dẫn tới việc các doanh nghiệp này thực hiện các hành vi sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội.
Hay như rủi ro bảo mật dữ liệu, bởi việc thu thập và xử lý dữ liệu nhạy cảm của khách hàng đòi hỏi các doanh nghiệp Fintech phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về an ninh, an toàn hệ thống. Ngoài ra còn rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố; rủi ro chi phí trung gian cao; rủi ro không minh bạch. Đặc biệt là rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp hay còn gọi là hình thức đòi nợ theo kiểu "tín dụng đen" tại các sàn đầu tư P2P Lending hoặc Crowd-funding…
Theo đó, Dự thảo Nghị định đã giới hạn các lĩnh vực mà Fintech được phép tham gia theo cơ chế thử nghiệm, bao gồm: Thanh toán; Tín dụng; Cho vay ngang hàng (P2P Lending); Hỗ trợ định danh khách hàng; Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); Các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain …; Các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra 6 tiêu chí bắt buộc các giải pháp Fintech phải đáp ứng toàn bộ mới được tham gia Cơ chế thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm có thể kéo dài 1-2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể…
… nhưng không vội
Đồng tình với sự cần thiết phải sớm ban hành Cơ chế thử nghiệm cho hoạt động của các Fintech, song không ít công ty Fintech trăn trở là dự thảo Nghị định chỉ đưa ra những quy định hết sức chung chung về tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm; đồng thời cũng không đưa ra quy định cụ thể thế nào thì các công ty Fintech được xem là "tốt nghiệp" Cơ chế thử nghiệm để được cấp phép hoạt động chính thức?
"Chẳng hạn như quy định giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao…, với những Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán hay P2P Lending, giải pháp công nghệ về cơ bản là khá giống nhau, vậy tiêu chí nào để chọn là giải pháp đầu tiên, tiêu chí nào để đánh giá là giải pháp có tính sáng tạo cao?", lãnh đạo một Fintech đặt câu hỏi.
Cũng theo vị này, quy định "giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung…" chẳng khác nào đánh đố doanh nghiệp, bởi lĩnh vực tài chính luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có cả những rủi ro bất khả kháng.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho rằng, chắc chắn sẽ không có app cho vay ngang hàng nào tìm ra được giải pháp không tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, nếu NHNN đặt ra tiêu chí này thì các công ty cho vay ngang hàng không thể hoạt động được.
Trong khi nhiều chuyên gia khác lại băn khoăn là mặc dù NHNN liệt kê ra hàng loạt những rủi ro nếu như không quản lý các Fintech, thế nhưng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với các Fintech lại không đưa ra được một giải pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hay kiểm soát những rủi ro này.
"Ai dám khẳng định các giải pháp Fintech sau khi "tốt nghiệp" và được cấp phép hoạt động chính thức có thể kiểm soát tốt được những rủi ro trên, nếu như không có những tiêu chí cụ thể đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát", một chuyên gia cho biết và nhấn mạnh, điều mà các Fintech cần là một hành lang pháp lý để hoạt động như đối với các ví điện tử hiện nay.
Nguồn: