Trí tuệ nhân tạo & Tự động hoá: Công nghệ tương lai ngành ngân hàng

06/05/2024
Ứng dụng RPA (tự động hóa quy trình bằng robot - Robotic Process Automation) và trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) đang trở thành xu hướng tất yếu nhằm giúp các ngân hàng giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực vận hành – kinh doanh và cải thiện trải nghiệm khách hàng hiệu quả.

Xu hướng công nghệ tương lai

Dưới những tác động từ đại dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua hàng trực tuyến và giao dịch qua thiết bị di động, đi kèm với những kì vọng cao hơn về sự tiện lợi, nhanh chóng đối với các dịch vụ ngân hàng, tài chính. Song song với đó, sức ép cạnh tranh từ mô hình tài chính mới fintech càng thúc đẩy ngân hàng nhanh chóng tìm kiếm và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại để bắt nhịp với những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường.

Đặc biệt, công nghệ robot và AI đóng vai trò quan trọng và được dự báo sẽ tạo ra nhiều đột phá mới của ngành ngân hàng trong tương lai. Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự đoán rằng làn sóng tự động hoá và AI thứ hai sẽ diễn ra trong vài năm tới; máy móc, robot sẽ thực hiện từ 10% đến 25% nhiệm vụ của ngân hàng. Việc ứng dụng hiệu quả robot và các công cụ AI trong hoạt động ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng chuẩn hoá quy trình, mở rộng khả năng giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo, tăng năng suất và mang lại kết quả kinh doanh vượt trội. Thông qua giải pháp công nghệ này, ngân hàng có thể đạt được các cấp độ hiệu quả mới trong quy trình như tối ưu chi phí vận hành, tốc độ, độ chính xác cũng như bảo vệ hệ thống tài chính.

Trí tuệ nhân tạo & Tự động hoá: Công nghệ tương lai ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Thực tế đã chứng minh, robot và AI hỗ trợ hiệu quả việc ra quyết định cho các khoản vay và tín dụng, giảm chi phí hoạt động và những rủi ro đáng kể liên quan đến con người, tối ưu sản phẩm dịch vụ ngân hàng hướng tới cá nhân hoá, đồng thời kiểm soát việc tuân thủ quy định ngân hàng của khách hàng, chống gian lận.

Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã sử dụng công nghệ robot và AI như một phần tất yếu cuả quá trình chuyển đổi số và đạt được những thành công nhất định. Điển hình, ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho ra đời một trợ lý ảo thông minh mang tên Erica phục vụ hơn 45 triệu khách hàng quản lý nhu cầu ngân hàng thuận tiện và hiệu quả hơn; Citibank đầu tư chiến lược vào Feedzai – một doanh nghiệp phân tích dữ liệu theo thời gian thực để xác định và loại bỏ gian lận thương mại trong hoạt động ngân hàng…

"Chìa khoá" nâng cao lợi thế cạnh tranh Ngân hàng số

Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng trong ngành đang tập trung phát triển công nghệ robot và AI để nâng cao năng lực ngân hàng, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, cải thiện mức độ hài lòng của khách hàng. Điển hình là Chatbot ngày càng được sử dụng rộng rãi trong hoạt động ngân hàng và mang lại những thay đổi lớn trong trải nghiệm khách hàng. Công nghệ này được MBBank tiên phong ứng dụng từ năm 2017 với sản phẩm eMBee Fanpage phản hồi tự động với tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn khoảng 5-6 lần so với tốc độ trả lời của tư vấn viên.

Trí tuệ nhân tạo & Tự động hoá: Công nghệ tương lai ngành ngân hàng - Ảnh 2.

Ngân hàng này cũng là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai eKYC dựa trên nền tảng công nghệ AI tại thị trường Việt Nam, giúp bóc tách thông tin tự động vào các mẫu đăng ký, rút ngắn thời gian thao tác và chống giả mạo nhờ công nghệ phân tích dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt. Không chỉ giúp khách hàng mở tài khoản trực tuyến 100% trên App MBBank chỉ trong vài giây, giải pháp eKYC còn được MBBank tích hợp để khách hàng dễ dàng thiết lập Digital OTP cho thiết bị mới ngay trên App MBBank mà không phải đến quầy giao dịch như trước đây. Ngân hàng này cũng cho phép khách hàng tự do lựa chọn tài khoản số đẹp trên App theo sở thích, ngày sinh, số điện thoại… và triển khai mã thanh toán VietQR hỗ trợ khách hàng thanh toán nhanh chóng, thuận tiện…

Trí tuệ nhân tạo & Tự động hoá: Công nghệ tương lai ngành ngân hàng - Ảnh 3.

Song song với việc mang đến cho khách hàng những trải nghiệm số thuận tiện, cuối năm 2019, MBBank chính thức triển khai dự án RPA, sử dụng robot trong các quy trình nghiệp vụ. Đặc biệt, từ năm 2021, ngân hàng này chuyển đổi sang mô hình Agile thúc đẩy tính hiệu quả và khả thi của dự án, giúp giải phóng nhân sự khỏi việc thực hiện các công việc thủ công lặp đi lặp lại, tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác và giảm thiểu tối đa sai sót từ con người.

Trong lộ trình chuyển đổi số sắp tới, theo ông Vũ Thành Trung – Thành viên ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số MBBank, tiềm lực của ngân hàng về hạ tầng, công nghệ, tài chính sẽ là cơ sở quan trọng để MBBank đẩy mạnh những ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ hệ thống, phục vụ kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy sự đổi mới ngân hàng mà vẫn tuân thủ những quy định của ngành.

Có thể thấy rõ vai trò của công nghệ robot và AI trong việc tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh rõ nét của các ngân hàng trên thị trường trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù, việc triển khai công nghệ này của các ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng những thành công bước đầu sẽ chính là tiền đề để một số ngân hàng có tiềm lực lớn vươn lên bứt phá trong thời gian tới.

Nguồn: