Trí tuệ Nhân tạo – Xu thế công nghệ toàn cầu của ngành Ngân hàng

25/11/2024
Giới chuyên gia nhận định, sự “bùng nổ” xu thế ứng dụng AI trong lĩnh vực Ngân hàng trên toàn cầu, ước tính đem lại giá trị gia tăng lên tới 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Sự phát triển của công nghệ AI đóng vai trò là động cơ thúc đẩy ngành ngân hàng có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng trải nghiệm của thế hệ khách hàng mới trong thời đại công nghệ 4.0.

Ngành Ngân hàng và "truyền thống" tiên phong trong ứng dụng công nghệ

Trong nhiều thập kỷ qua, ngành ngân hàng liên tục cải tiến các phương thức tương tác với khách hàng và ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết những nghiệp vụ quan trọng. Vào những năm 1960, chiếc máy ATM đầu tiên được lắp đặt. Mười năm sau đó, khách hàng đã sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch và thanh toán. Đầu thế kỷ 21, cùng với sự phát triển của mạng lưới internet, ngân hàng trực tuyến (Internet Banking hay Online Banking) được biết đến và dần trở nên thịnh hành. Những năm 2010, điện thoại thông minh ra đời ghi nhận thời kì bùng nổ của ngân hàng di động (Mobile Banking). Và ở những năm 2020, kỷ nguyên kĩ thuật số đã mở ra nhiều cơ hội mới trong việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành Tài chính – Ngân hàng. Ngân hàng tích hợp Trí tuệ Nhân tạo có thể tận dụng tiềm năng to lớn của AI trong các tác vụ phức tạp như: chăm sóc khách hàng thông qua chatbot và voicebot; dịch vụ cá nhân như mở thẻ, mở khoản vay; quản trị rủi ro và ra quyết định.

Theo cuộc khảo sát các chuyên gia dịch vụ tài chính của OpenText năm 2018, 80% các ngân hàng đều nhận thức được những lợi ích tiềm năng mà AI mang lại. Tiêu chí quan trọng, quyết định sự thống lĩnh thị trường ngành Ngân hàng trong thập kỉ tới là khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tức thì, tự phục vụ, cá nhân hóa và bảo mật. Theo bài phân tích "The executive’s AI playbook" phát hành năm 2020 của McKinsey, AI có khả năng mang lại các giá trị gia tăng cho ngành ngân hàng lên đến 1 nghìn tỉ đô la mỗi năm. Các ngân hàng sử dụng AI để tự động hóa nhiều quy trình vận hành, giúp tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa nguồn nhân lực và gia tăng chuyển đổi trải nghiệm khách hàng bằng cách cho phép các tương tác dịch vụ 24/7/365.

Vị thế quan trọng của AI trong hành trình số hóa của các ngân hàng Việt Nam

Vài năm trở lại đây, xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng các giải pháp AI tiên tiến đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và được người dùng đón nhận tích cực. Sự phát triển về khoa học công nghệ đã thay đổi cách thức tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của thế hệ khách hàng trẻ vốn quen thuộc với dịch vụ số, luôn đòi hỏi được phục vụ nhanh chóng và các trải nghiệm cá nhân hóa. Đại dịch Covid-19 như chất xúc tác, đẩy nhanh quá trình chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong ngành Ngân hàng.

FPT.AI, đơn vị cung ứng các giải pháp AI toàn diện hàng đầu tại Việt Nam nhận định, AI có thể được ứng dụng vào nhiều khâu trong quy trình vận hành của ngân hàng, từ "Front" tới "Back office". Các ngân hàng số tận dụng thuật toán AI để cung cấp nhiều dịch vụ khách hàng chất lượng như chatbot và trợ lý giọng nói (voicebot), giúp duy trì và làm sâu sắc các tương tác với khách hàng. Trong các nghiệp vụ sâu hơn, AI hỗ trợ đắc lực các ngân hàng đánh giá rủi ro, phát hiện, ngăn ngừa gian lận thanh toán và kiểm tra các quy định nhận biết khách hàng (KYC). Hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới đều đã ứng dụng công nghệ sinh trắc học cho phép khách hàng eKYC và giao dịch bằng khuôn mặt, giọng nói hoặc vân tay. Về nghiệp vụ Back office, AI tích hợp vào công nghệ OCR giúp máy có khả năng nhận diện và trích xuất chính xác các trường thông tin quan trọng trên giấy tờ. Nhiều ngân hàng lớn lựa chọn giải pháp FPT.AI Reader để số hóa nhiều tài liệu, hồ sơ giấy tờ khác nhau như hợp đồng khách hàng, sao kê ngân hàng, các loại giấy tờ tùy thân khách hàng như CMND/CCCD… cho kết quả chính xác đến 98%, giải phóng nhân sự khỏi các tác vụ thủ công.

Tại Việt Nam, đơn vị tiêu biểu đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ có thể kể đến Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). TPBank theo đuổi chiến lược số hóa từ sớm, có sự đầu tư công nghệ bài bản với trên 80% ứng dụng công nghệ mới sử dụng AI. Đại diện TPBank chia sẻ, AI là một phần quan trọng trong chiến lược Đổi mới số của ngân hàng. Với mục tiêu khai thác AI như công nghệ mũi nhọn, nền tảng cho các sáng tạo đột phá, TPBank đã đầu tư lớn, triển khai AI mạnh mẽ trong các năm qua và thành công trong việc áp dụng AI cho nhiều sản phẩm, dịch vụ. Năm 2022 được xác định là năm bản lề, ứng dụng AI một cách toàn diện, nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh trên nền tảng số, gia tăng sức mạnh cạnh tranh của TPBank.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức đòi hỏi các ngân hàng Việt cần sớm có sự chuyển đổi để bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới. Giới chuyên gia cho rằng, công nghệ AI đang là sự lựa chọn ưu tiên của ngành ngân hàng trong cuộc đua chinh phục khách hàng thời chuyển đổi số, giảm gánh nặng đầu tư vào nguồn nhân lực, tăng cường năng lực xử lí dữ liệu, nâng cao hiệu suất kinh doanh và trải nghiệm khách hàng. Các ngân hàng Việt Nam cần phải nhanh chóng thích ứng và thiết lập khuôn khổ chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra một hệ sinh thái mở cho cả lĩnh vực tài chính – ngân hàng và mang đến sự tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng hiện đại.

Trí tuệ Nhân tạo  –  Xu thế công nghệ toàn cầu của ngành Ngân hàng - Ảnh 1.

Hội thảo trực tuyến "Ngân hàng tích hợp AI: Xu thế của tương lai" diễn ra ngày 26/11 với nhiều chia sẻ chiến lược từ các chuyên gia hàng đầu về Trí tuệ Nhân tạo

Ngày 26/11/2021, Hội thảo trực tuyến "Ngân hàng tích hợp AI: Xu thế của tương lai" được tổ chức bởi FPT Smart Cloud và Microsoft với sự tham gia của đại diện từ TPBank sẽ đem đến cái nhìn toàn diện về xu hướng ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực Ngân hàng trên thế giới cùng những chiến lược thực thi hiệu quả nhất được chia sẻ trực tiếp bởi các khách mời là chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Đăng ký ngay tại: https://webinar.fpt.ai/ai-powered-banking

Nguồn: