Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 10/2021 quy định về tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 23/2021, ngày 7/7 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 .
NHNN triển khai gói 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước. Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (sau đây gọi là người sử dụng lao động).
Trường hợp đến hết ngày 5/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân quy định thì trước ngày 15/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất.
Theo Quyết định số 23/2021 ngày 7/7 của Thủ tướng Chính phủ , người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi đủ các điều kiện sau: có người lao động làm việc theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022; Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Vay vốn trả lương ngừng việc mức tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, mức cho vay tối đa bằng lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng, thời gian hưởng chính sách tối đa 3 tháng, thời gian vay vốn dưới 12 tháng.
Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6, 7 năm 2021 được thực hiện 1 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 5/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước. Ngân hàng Nhà nước cấp phí quản lý từ nguồn chi đầu tư phát triển cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo mức 1%/năm trên số dư giải ngân cho vay thực tế.
Về trình tự, thủ tục thực hiện, người sử dụng lao động tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc; phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động; có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 38 Quyết định này.
Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH xác nhận danh sách người lao động đang tham gia BHXH. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của người lao động, làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.
Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022.
Trong 4 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân đến người sử dụng lao động.
COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh đình trệ, kéo theo hàng triệu lao động mất việc.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết đơn vị hiện chỉ cầm chừng. Các doanh nghiệp có cơ sở hoạt động ở các khu vực bị giãn cách xã hội thì gần như không đáp ứng được điều kiện bố trí chỗ ở cho người lao động tại chỗ nên đã đóng cửa, giảm chi phí lương từ 50 - 70%.
Trong khi đó, báo cáo Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố hồi tháng 3/2021 cho rằng, những ảnh hưởng chủ yếu là doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động. Số lao động bị cho nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động và ảnh hưởng nhiều hơn đến các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Nguồn: