Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm

15/01/2025
So với các ngành tài chính khác như ngân hàng, chứng khoán, nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng chưa đáng kể, dù kết quả kinh doanh khả quan và tiềm năng tăng trưởng thị trường tích cực.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được triển khai với tính thần để tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm, áp dụng các kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của thị trường Việt Nam - vốn có tiềm năng lớn nhưng tốc độ phát triển còn thấp so với mặt bằng chung khu vực và thế giới. Dự kiến Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ năm 2023.

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm 8 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực bất chấp dịch bệnh. Cụ thể, đến cuối tháng 8, tổng tài sản trên thị trường bảo hiểm ước đạt 643.588 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; Tổng doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn này cũng tăng gần 17%, đạt 133.040 tỷ đồng.

Trái ngược với các ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm tăng khá tốt.

Cụ thể, thống kê 9 doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết của Nhadautu.vn cho thấy có 5/9 đơn vị trong 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng lợi nhuận từ 40-55% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 55,4%, theo sau là Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) có mức tăng trưởng lợi nhuận 54,6%, tiếp đó là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI, tăng 49,9%), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG, tăng 44,3%), Tập đoàn Bảo Việt (BVH, tăng 41,2%).

Một số doanh nghiệp bảo hiểm có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong giai đoạn 2019-2020 như: PTI có mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 và 2020 lần lượt là 475% và 113%; BIC cũng tăng trưởng lợi nhuận lần lượt 25% và 39% hay MIG có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 30% và 37%.

 Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu nhóm bảo hiểm niêm yết cũng tăng khá tốt trong 9 tháng đầu năm. So sánh với đầu năm 2021, thị giá 5/9 công ty bảo hiểm có mức tăng trưởng từ 40-145%. Một số mã có mức tăng trưởng tốt như VNR tăng 145%, MIG tăng 66% hay PTI tăng 57%.

 Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm - Ảnh 2.

Đáng chú ý, tất cả các mã cổ phiếu nhóm bảo hiểm đều tăng trưởng tốt trong 2 tháng trở lại đây, một số mã mới chỉ bắt đầu chạy từ tháng 9 như PRE, VNR, PTI. Một số mã tăng giá sớm hơn từ khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 như MIG, BMI, PVI, PGI, hay từ tháng 8 như BIC. Ngay cả BVH là mã duy nhất giảm giá so với đầu năm nhưng cũng đang phục hồi từ đáy giữa tháng 7.

Tuy nhiên, về cơ bản mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm bảo hiểm vẫn còn thua xa so với ngành tài chính khác như ngân hàng hay chứng khoán. Trong khi mức tăng trưởng giá cổ phiếu từ đầu năm tới nay của nhóm bảo hiểm cao nhất cũng chỉ tới 145% thì không thiếu những mã chứng khoán, ngân hàng tăng bằng lần, thậm chí đến 4-5 lần.

Tính chung tổng giá trị vốn hoá của nhóm ngành bảo hiểm chỉ tăng 2,8% kể từ đầu năm (phần lớn do thị giá BVH giảm gần 20%).

Hiện vốn hoá của nhóm ngành bảo hiểm trên thị trường chứng khoán còn rất nhỏ bé, chỉ khoảng hơn 1% tổng vốn hoá thị trường. Điều này cho thấy dư địa phát triển của cổ phiếu ngành bảo hiểm còn lớn so với thị trường và tiềm năng của ngành này thời gian tới.

 Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm - Ảnh 3.

Tổng hợp BCTC ngành Bảo hiểm 2018-nay

Các chỉ số tài chính của cổ phiếu ngành bảo hiểm cho thấy còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi quá nửa nhóm có P/E dưới 15x và P/B trung bình 1,5-,17x. Trong khi Fiin Group dự báo chỉ số P/E, P/B chung của toàn thị trường năm 2021 sẽ lần lượt ở mức 17,8x và 2,1x.

Riêng với ngành bảo hiểm FiinGroup cho rằng, đây là ngành có lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng tốt (25%) bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi giá cổ phiếu chưa tăng tương xứng. Định giá P/B của ngành hiện đang thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (2,2x).

 Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm - Ảnh 4.

Tổng hợp BCTC ngành Bảo hiểm 2018-nay

Thực tế, diễn biến tiêu cực và phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang tạo rủi ro về ngắn hạn cho các hãng bảo hiểm khi phải đối mặt với sự giảm sút trong thu nhập của khách hàng, nguy cơ lạm phát và gia tăng các khoản bồi thường.

Mặc dù vậy, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định trong ngắn hạn, giá cổ phiếu bảo hiểm vẫn có động lực từ kế hoạch thoái vốn nhà nước. Trong năm 2021, một số các doanh nghiệp có kế hoạch thoái một phần vốn như BMI, PTI, BVH, MIG.

Ngoài ra, Việt Nam luôn nằm trong Top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn trên 9,3%. Tuy liên tục ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có rất thấp, chỉ ở mức 2,7% nếu tính đến năm 2019 (phi nhân thọ là 0,8%, nhân thọ là 1,9%), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (trung bình ở mức 3,3%). Theo đó, BVSC tin rằng, khi đại dịch COVID-19 đi qua, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25-30%/năm.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI nhận định tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt là 22% và 10-12% so với cùng kỳ. Đây cũng là nhóm cổ phiếu để các nhà đầu tư nên xem xét, bởi lẽ nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng banca độc quyền mới được ký kết với các ngân hàng, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước COVID, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn.

Nguồn: