Từ các ngân hàng nông thôn cho đến nợ vay tiêu dùng tăng chóng mặt hoặc các chương trình tái cấu trúc nợ trái phiếu lớn chưa từng có, hiện đang xuất hiện ngày một nhiều dấu hiệu căng thẳng tài chính tại Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện đối diện với nhiều thách thức.
Theo Bloomberg, chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối diện với nhiều khó khăn trong việc cân bằng các mục tiêu chính sách trong nỗ lực cố gắng hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới mà không tạo ra thêm rủi ro đạo đức và tình trạng chi tiêu quá mức.
Dù rằng cho đến nay các nhà chức trách vốn ngại ngần trong việc giải cứu những người cho vay khó khăn và đẩy mạnh gói kích cầu, chi phí của việc duy trì tình trạng như hiện tại cũng đang tăng lên bởi tỷ lệ vỡ nợ tăng và kinh tế Trung Quốc chững lại ngày một sâu hơn.
Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng làm ít nhất nhưng vẫn giữ được kinh tế tăng trưởng đúng hướng, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs Group, ông Andrew Tilton.
Một trong những thách thức lớn nhất mà phía Trung Quốc đang đối đầu chính là việc “sức khỏe” của một số tổ chức cho vay nhỏ và một số công ty nhà nước đang yếu đi. Đề xuất tái cấu trúc nợ của công ty Tewoo, một công ty kinh doanh hàng hóa nhà nước Trung Quốc, đã khiến không ít người phải lo lắng về biến động tài chính tại thành phố Thiên Tân.
Gần đây, trên khắp đất nước Trung Quốc đã xuất hiện ngày một nhiều nỗi lo lắng tương tự, chủ yếu tập trung vào nhóm các ngân hàng nhỏ. Niềm tin vào nhóm các tổ chức này đã xấu đi từ tháng 5/2019 khi mà các nhà quản lý thâu tóm một ngân hàng nhỏ tại Nội Mông và buộc một số chủ nợ phải chịu lỗ. Từ đó đến nay, giới chức đã phải can thiệp để hỗ trợ ít nhất 2 ngân hàng khác đồng thời tung tiền giải cứu hai ngân hàng.
Trong báo cáo về tình hình ổn định tài chính công bố tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh rằng có 586 trong khoảng 4.400 ngân hàng cho vay của Trung Quốc đối diện với rủi ro cao, con số cao hơn nhiều so với trước đây.
Đồng thời Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến những rủi ro xung quanh việc cho vay tiêu dùng, cơ quan này chỉ ra nợ tiêu dùng tính trong tương quan với thu nhập khả dụng đã tăng lên 99,9% vào năm 2018 từ mức 93,45 của 1 năm trước.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và nhiều cơ quan quản lý khác đã cảnh báo về rủi ro nợ doanh nghiệp tăng cao quá mức, tỷ lệ nợ doanh nghiệp tăng lên mức cao kỷ lục 165% GDP vào năm 2018, theo Bloomberg Economics.
Nguồn: