Trung Quốc lập mạng thanh toán quốc tế, muốn có 1.000 thành viên vào cuối năm

26/11/2024
Mạng lưới thanh toán nhân dân tệ quốc tế của Trung Quốc dự kiến đạt 1.000 thành viên vào cuối năm 2020.

Tính đến cuối tháng 7, có 984 tổ chức tài chính từ 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS) của Trung Quốc, tăng 48 tổ chức so với cuối năm 2019. CIPS ra đời năm 2015 để giúp toàn cầu hóa nhân dân tệ, cung cấp phương thức đơn giản hơn cho các bên thanh toán bằng nhân dân tệ.

Thành viên có thể tham gia CIPS trực tiếp – mở và duy trì tài khoản riêng trong hệ thống – hoặc gián tiếp – giao dịch thông qua thành viên trực tiếp. CIPS đã bao gồm nhiều tổ chức tài chính của Nhật Bản như Mizuho Bank, MUFG Bank, Chiba Bank.

“CIPS cho phép chúng tôi cung cấp dịch vụ thanh toán nhân dân tệ cho khách hàng trên toàn cầu”, theo Mizuho Bank.

Hơn 70%, tức 731 thành viên hiện tại của CIPS, là ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. Châu Âu xếp thứ hai với 124 thành viên, tiếp đó là châu Phi với 37 thành viên. Bắc và Nam Mỹ chỉ có khoảng 40 thành viên.

Hệ thống này có sự hiện diện tương đối lớn ở châu Phi do sự ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này, đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

“Thay vì cạnh tranh với USD, Trung Quốc muốn tăng các giao dịch nhân dân tệ bằng cách thiết lập khối kinh tế mới”, Takahide Kiuchi, Viện nghiên cứu Nomura, Tokyo, nói.

Trung Quốc lập mạng thanh toán quốc tế, muốn có 1.000 thành viên vào cuối năm - Ảnh 1.

Nhân dân tệ là đồng tiền phổ biến thứ ba thế giới, sau USD và euro. Ảnh: Reuters.

USD vẫn là đồng tiền chính trong các giao dịch quốc tế. Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), trụ sở Bỉ, được cho là xử lý khoảng 5.000 – 6.000 tỷ USD các giao dịch quốc tế mỗi ngày, khoảng 40% là bằng USD. Nhân dân tệ chỉ chiếm 1,95% dù cho đây là đồng tiền phổ biến thứ ba thế giới, sau USD và euro.

Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng chỉ càng thúc đẩy Bắc Kinh củng cố khuôn khổ thanh toán quốc tế riêng của nước này. Một số ngân hàng Iran bị cấm tham gia SWIFT từ năm 2018, khiến họ khó làm ăn trên thế giới.

Nếu càng ngân hàng Trung Quốc cũng bị chặn khỏi SWIFT, Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh về kinh tế do quy mô quan hệ thương mại song phương. Dù vậy, một dự luật được thông qua hồi tháng 7 vẫn cho phép Mỹ trừng phạt tổ chức tài chính làm ăn với các cá nhân làm suy yếu tính tự trị của Hong Kong. CIPS sẽ cho phép các thành viên tiếp tục giao dịch bằng nhân dân tệ ngay cả khi bị trừng phạt.

Nhân dân tệ không được kỳ vọng sẽ thay thế USD trên trường quốc tế, đặc biệt là bởi đồng tiền này gặp nhiều hạn chế hơn đồng tiền của các nền kinh tế phát triển khác. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 với GDP tăng trong quý II. Trung Quốc còn sắp phát hành tiền điện tử, đi trước nhiều quốc gia khác, và CIPS được dự báo ngày càng quan trọng.

Nguồn: