Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 7,9 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng

22/11/2024
Đây là động mới nhất trong một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo đủ thanh khoản cho nền kinh tế đang phải "vật lộn" với những hậu quả khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã gia hạn một số Quỹ mục tiêu đến hạn vào hôm qua (24/4) cùng với việc cắt giảm lãi suất cho các khoản vay. Đây là hành động mới nhất trong một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo đủ thanh khoản cho nền kinh tế đang phải "vật lộn" với những hậu quả khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.

PBOC đã bơm 56,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,9 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua cơ sở cho vay trung hạn được nhắm mục tiêu (TMLF), vừa đúng lúc các khoản nợ trị giá 267,4 tỷ nhân dân tệ đến hạn.

Khoản tài trợ 1 năm được cung cấp với mức lãi suất là 2,95%, giảm 20 điểm so với mức 3,15% hồi tháng 1. Trước đó, các nhà phân tích cũng đã dự đoán một đợt cắt giảm TMLF sau khi lãi suất của hàng loạt công cụ chính sách khác được hạ xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Theo một báo cáo, PBOC đã không tiếp tục cung cấp tài trợ ngắn hạn thông qua các hoạt động thị trường mở trong 17 ngày liên tiếp. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống còn 2,46%, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tương lai cùng kỳ hạn tăng 0,32% trong sáng qua (24/4) tại Thượng Hải.

Việc cắt giảm lãi suất nói trên đã giúp TMLF trở nên phù hợp với các công cụ tiền tệ khác, một phần của các biện pháp "xoa dịu" nền kinh tế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Cùng với đó, một loạt các biện pháp kích thích trong những tháng gần đây đã tạo ra mức thanh khoản dồi dào hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc khi các biện pháp phong tỏa đã khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của nước này lần đầu tiên giảm xuống mức âm kể từ những năm 1970.

"Quy mô của các đợt chào bán đã bị thu hẹp khá nhiều. Điều đó cho thấy rằng cơ sở TMLF không còn hấp dẫn đối với các ngân hàng, do có sẵn các kênh cấp vốn thay thế bao gồm các kênh tái cho vay và tái chiết khấu", Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của Trung Quốc tại Standard Chartered Bank ở Hồng Kông cho biết.

Được tạo ra vào năm 2019, TMLF đã được ngân hàng trung ương sử dụng để luân chuyển thanh khoản đến các bộ phận cụ thể của nền kinh tế đồng thời tránh được việc thừa vốn trên thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi sự bùng phát virus đòi hỏi phải nới lỏng tiền tệ rộng hơn nhiều.

Xing Zhaopeng, chuyên gia kinh tế thị trường của chi nhánh Ngân hàng ANZ tại Thượng Hải cho biết, các công cụ tái cấp vốn và tái chiết khấu của PBOC hấp dẫn hơn đối với nhiều ngân hàng nhỏ hiện nay vì họ cung cấp tài trợ ở mức rẻ hơn so với TMLF.

Tham khảo: South China Morning Post


Nguồn: