Trung Quốc tiêu hủy tiền mặt có nguy cơ lây nhiễm covid-19

21/12/2024
Chi nhánh Ngân hàng Quảng Châu thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ tiêu hủy tất cả tiền mặt được thu thập từ các bệnh viện, chợ tươi sống và xe buýt để đảm bảo các giao dịch tiền mặt được an toàn trước sự lây lan của dịch Covid-19.

Được biết, các quan chức tại chi nhánh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ở thành phố phía Nam đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ các loại tiền mặt đến từ các ngành phơi nhiễm cao với virus. Các ngân hàng thương mại cũng phải tiến hành thu và khử trùng tiền mặt, sau đó giao  lại cho Ngân hàng Trung ương.

Thông báo được đưa ra sau khi Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – Phạm Diệc Phi, hôm 15/2 cho biết 600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 85,6 tỷ USD) tiền giấy mới đã được phân bổ trên cả nước kể từ ngày 17/1, bao gồm 4 tỷ nhân dân tệ tiền mới chuyển cho tâm dịch Vũ Hán trước Tết Nguyên Đán.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, họ sẽ sử dụng nhiệt độ cao hoặc tia cực tím để khử trùng tiền mặt và lưu trữ trong hơn 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu thông.

Mới đây, cơ quan này cũng thông báo rằng, gần 3 tỷ nhân dân tệ tiền mới đã được đưa vào phía nam tỉnh Quảng Đông, ngoại trừ Thâm Quyến, trong giai đonạ từ 3/2 đến 13/2, trong khi 7,8 tỷ nhân dân tệ đã được rút khỏi lưu thông.

Ngành ngân hàng đã cho lưu thông thêm 270 triệu nhân dân tệ (38 triệu đô la Mỹ) thông qua 1.249 giao dịch tới các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp liên quan đến phòng chống dịch bệnh và các đơn vị tiền tuyến khác. Gần 800 triệu nhân dân tệ tiền mặt đã được rút khỏi lưu thông thông qua 6.186 giao dịch.

Ngân hàng Trung ương thường xuyên thu nhận và tiêu hủy các đồng tiền cũ và tiền giấy để đổi lấy tiền mới. Điều này không ảnh hưởng đến nguồn cung tiền mà được thực hiện để duy trì một lượng tiền tệ "sạch" có thể sử dụng được.

Trang tin Tài Tân của Trung Quốc trích lời của phó giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn ở Quảng Châu, "Khách hàng sẽ được yêu cầu xác nhận nguồn gốc của tiền giấy được giao dịch tại các chi nhánh, nhưng thực tế, rất khó để một biện pháp như vậy có hiệu quả hoàn toàn".

Chính phủ Trung Quốc mới đây cũng đã cam kết tài trợ thêm cho các ngân hàng để giúp đỡ các nhà sản xuất và doanh nghiệp vượt qua "cơn ngược gió" từ cuộc chiến thương mại giữa Trung - Mỹ và cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ qua tại quốc gia này.

Tăng trưởng kinh tế, vốn đã chậm lại tới 6% trong quý IV/2019, có khả năng còn suy giảm hơn nữa trong quý I năm nay, với ước tính 50 triệu công nhân buộc phải ở nhà kể từ cuối tháng 1, làm gián đoạn nhiều lĩnh vực như may mặc, sản xuất đồ chơi và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Tham khảo: South China Morning Post

Nguồn: