TS. Cấn Văn Lực: Cần hiểu đúng gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng

13/01/2025
Theo TS. Cấn Văn Lực, số tiền 250.000 tỉ đồng nếu được giải ngân chắc chắn sẽ tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD, và nếu giải ngân hết cũng chỉ chiếm khoảng 25-30% tổng số tiền cho vay mới năm 2020, nên không quan ngại về gây áp lực lạm phát.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng: gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chỉ thị 11 thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và đồng hành nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Chỉ thị tập trung vào 7 nhóm giải pháp quan trọng: (i) vốn tín dụng, tài khóa, thanh toán điện tử; (ii) đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp; (iii) tạo thuận lợi cho SX-KD và xuất nhập khẩu; (iv) hỗ trợ ngành du lịch và hàng không; (v) Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh; (vi) giải quyết vướng mắc về lao động; và (vii) Đẩy mạnh thông tin – truyền thông.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, trong nhóm giải pháp đầu tiên (về vốn tín dụng, tài khóa và thanh toán điện tử); cần hiểu đúng để có thể làm đúng đối với 2 gói hỗ trợ: gói tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30.000 tỷ đồng.

Đối với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng, đây là tổng các gói mà khoảng 10 tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn (từ 0,5-1,5%/năm) so với tín dụng thông thường. Tổng số các gói tín dụng này có thể sẽ nhiều hơn khi nhiều ngân hàng tham gia hơn. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, gói tín dụng này có 4 đặc điểm chính: (i) mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…); (ii) nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (không phải nguồn vốn từ NSNN); (iii) cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay – trả thuần túy là giữa TCTD và bên vay vốn (có điểm khác biệt là thủ tục sẽ cần nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn – tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn); (iv) tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Số tiền trên nếu được giải ngân chắc chắn sẽ tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD (nếu giải ngân hết hoặc có thể nhiều hơn, cũng chỉ chiếm khoảng 25-30% tổng số tiền cho vay mới năm 2020, nên không quan ngại về gây áp lực lạm phát). Số tiền giảm đi do áp dụng lãi suất ưu đãi này sẽ làm giảm lợi nhuận của các TCTD. Cần nhấn mạnh thêm rằng việc cho vay còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Để thực hiện được gói này, cần có hướng dẫn cụ thể của NHNN về các điều kiện tín dụng cơ bản và ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng vay cụ thể.

Đồng thời, để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình về dòng tiền, thanh khoản hiện tại cũng như thời gian tới do tác động bởi dịch Covid-19; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các TCTD cần rà soát, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hoãn nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và không chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời hạn nhất định đối với những khoản nợ hiện tại bị tác động bởi dịch Covid-19, như vậy mới có thể cho vay mới tiếp được. Theo NHNN, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thống kê sơ bộ từ 23 TCTD ước tính khoảng 926.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 11,3% tổng dư nợ của nền kinh tế). Những khoản miễn, giảm lãi này cũng sẽ làm giảm lợi nhuận của các TCTD. Giải pháp này là rất quan trọng vì chính là những gì mà doanh nghiệp và hộ gia đình đang cần. Theo đó, NHNN cũng cần sớm có văn bản hướng dẫn để các TCTD nhất quán thực hiện.

Đối với gói hỗ trợ tài khoá khoảng 30.000 tỷ đồng (lấy từ nguồn NSNN), theo TS. Cấn Văn Lực, đây là tổng số tiền được hiểu là dự tính đối với các khoản miễn, giảm, chi tiêu do dịch Covid-19: (i) miễn, giảm thuế (chẳng hạn như miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị y tế - đang thực hiện từ ngày 7/2/2020, giảm thuế VAT, thuế thu nhập, nếu có…), giảm tiền thuê đất; (ii) miễn, giảm phí, lệ phí (như phí cầu đường, phí thăm quan…); (iii) tăng chi NSNN để mua sắm thiết bị y tế, dịch vụ y tế hay phục vụ cách ly có liên quan đến dịch Covid-19...v.v. 

Giải pháp gói tài khoá cũng rất quan trọng vì nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đang mong đợi. Tổng số tiền này được hiểu là không bao gồm các khoản gia hạn nộp thuế hay tiền thuê đất (vì sau đó, những khoản tiền này vẫn được trả khi đến hạn mới), cũng như chưa bao gồm các khoản thuế xuất nhập khẩu bị giảm do hoạt động thương mại giảm bởi tác động của dịch COVID-19, chưa bao gồm phần giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu được áp dụng mức 15-17% như Luật hỗ trợ DNNVV cho phép và Chính phủ cần trình Quốc Hội thông qua)…v.v. Chính phủ, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn chi tiết về những nội dung này. Nếu vượt thầm quyền, Chính phủ cần trình Quốc Hội xem xét, thông qua.

Như vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, về bản chất, hai gói hỗ trợ này không giống như những gói kích cầu năm 2009 (gồm gói 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất tín dụng và 8 tỷ USD kích cầu nền kinh tế, đều lấy từ NSNN) - đó là những gói thực tế là không hiệu quả, gây hệ lụy về sau (tăng lạm phát, dòng vốn đổ vào một số lĩnh vực ít hiệu quả…) và việc triển khai cực kỳ phức tạp. Điều này cũng được Thủ tướng nêu rõ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/3/2020; đó là ổn định vĩ mô vẫn là then chốt, không để vì các lí do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này và Chính phủ chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế.

Nguồn: