Theo ông, tỷ giá USD/VND đến cuối năm nay có biến động hơn năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không ngừng căng thẳng?
Điều quan trọng nhất khi nhìn vào tỷ giá là nhìn vào cán cân vãng lai chứ không phải cán cân thương mại.
Trước năm 2011, Việt Nam triền miên thâm hụt cán cân vãng lai. Từ năm 2011-2018, liên tục thặng dư cán cân vãng lai. Trong vòng 8 năm gần đây, có 4 quý thâm hụt cán cân vãng lai, riêng năm 2018 có có tới 2 quý thâm hụt cán cân vãng lai, đó là quý III và quý IV/2018.
Câu hỏi đặt ra, liệu chu kỳ thặng dư cán cân vãng lai đã kết thúc và trở lại chu kỳ thâm hụt trước năm 2011 không?
Theo dõi tiếp, quý I/2019 lại tiếp tục thâm hụt cán cân vãng lai, tính cụ thể hơn thì có thể là cân bằng. Như vậy, trong 3 quý liên tiếp gần đây, cán cân vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt.
Quý II/2019, có thể không thặng dư. Thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam bắt đầu đi xuống từ quý III/2018 (âm 616 triệu USD), có nghĩa thời “hoàng kim” của VND đã qua, cái thời Việt Nam dư thừa ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước mua được nhiều USD, dự trữ ngoại hối tăng nhanh.
Bây giờ, khi không còn thặng dư cán cân vãng lai nữa, nguồn ngoại tệ không dồi dào, dự trữ ngoại hối sẽ không gia tăng được. Không cẩn thận, nếu cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt (trong quý II/2019), Ngân hàng Nhà nước rất có thể phải bơm ngoại tệ dự trữ để giữ tỷ giá hối đoái ổn định (không để tỷ giá USD/VND tăng làm cho VND mất giá). Đây là lý do nền tảng nhất.
Cán cân thanh toán quốc tế tính đến quý III/2018 - Nguồn: NHNN.
Vậy, cán cân vãng lai của Việt Nam bị tác động bởi những yếu tố nào, thưa ông?
Thứ nhất, thương mại toàn cầu giảm, đặc biệt, đối với Việt Nam lại đang bị tác động bởi thương chiến Mỹ - Trung. Việt Nam xuất khẩu thặng dư sang Mỹ, nếu thặng dư tăng nhiều, Mỹ sẽ đánh thuế hàng hoá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
Năm 2018, Việt Nam thặng dư thương mại tới 35 tỷ USD với Mỹ, trong khi Mỹ chỉ cho phép thặng dư 12 tỷ USD. Mỹ đang yêu cầu Việt Nam kéo giảm mức thặng dư này xuống.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ từ năm 2007 - 2018 - Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Trong khi, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lại đang có xu hướng giảm mạnh, nhất là ở các mặt hàng nông sản. Trước kia, mỗi năm xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 30-50%, những tháng đầu năm 2019 đang giảm mạnh, như lúa gạo, rau quả…
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Hy vọng hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ tăng, vì mặt hàng này của Trung Quốc xuất sang Mỹ đang giảm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ tăng có bù được kim ngạch hàng hoá xuất khẩu vào Trung Quốc giảm hay không?
Vấn đề ở đây, nhiều người cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong thương chiến Mỹ - Trung, lên tới 5% GDP (tương ứng trên 12 tỷ USD). Nhưng trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc chính thức tuyên chiến từ tháng 7/2018, cũng từ tháng 7/2018 Việt Nam bắt đầu thâm hụt cán cân vãng lai. Điều này cho thấy, Việt Nam chẳng được lợi gì.
Dự báo xuất khẩu năm 2019 nếu tăng trưởng 5-6% so với năm 2018, cán cân vãng lai rơi vào tình trạng thặng dư không đáng kể hoặc thâm hụt. Như vậy, sức ép lên tỷ giá hối đoái rất lớn, có thể dẫn đến có những thời điểm có thể căng thẳng.
Rất may cho Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn gia tăng, không bị sụt giảm mạnh như các nước, cán cân vốn bù cho cán cân vãng lai. Nhưng sức ép của tỷ giá năm nay mạnh hơn năm ngoái rất nhiều.
Nếu năm 2018 phá giá VND ở mức 2%, năm 2019 có thể lên tới 3-4% mới đảm bảo giữ được cán cân vãng lai thặng dư hoặc cân bằng (do được hỗ trợ từ xuất khẩu). Vì nếu để tỷ giá USD/VND giảm (VND tăng giá), xuất khẩu sẽ giảm (do giá hàng hoá của Việt Nam cao hơn trước), làm cho cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt nữa, tác động ngược trở lại tỷ giá.
Về tác động tới thương mại với Trung Quốc, nếu Việt Nam không phá giá tiền tệ, nhưng Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục giảm (do giá cả hàng hoá của Việt Nam cao hơn trước), làm cho cán cân thương mại thâm hụt mạnh về phía Việt Nam, tác động ngược lại tỷ giá hối đoái, cứ vòng tròn vậy.
Từ đầu năm 2019 đến nay, VND đã giảm 1% so với USD. Việt Nam còn đà thặng dư của năm 2018, nhưng đà này đang giảm khi liên tiếp 3 quý gần đây cán cân vãng lai không thặng dư.
Phá giá nội tệ sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát, thưa ông?
Mỹ đã nâng mức đánh thuế hàng hoá của Trung Quốc từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Theo đó, nếu đồng CNY giảm 5% so với USD, mức thuế mà hàng hoá Trung Quốc bị đánh còn 20% (do được hỗ trợ từ tỷ giá).
Nếu Việt Nam không giảm giá VND cũng bị thiệt hại về xuất khẩu hàng hoá. Khối các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) cũng không thể đứng nhìn hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào khu vực, EU cũng phá giá đồng EUR. Nhật Bản cũng phá giá đồng JPY để nâng sức cạnh tranh của hàng hoá… Mỹ đến lúc nào đó thấy đánh thuế không ăn thua cũng phải phá giá đồng USD.
Việc này giống như vào rừng chặt gỗ, nếu anh không chặt thì người khác chặt, người không chặt sẽ thiệt, do đó, họ đua nhau vào rừng chặt gỗ để giành quyền lợi cho mình.
Việc phá giá nội tệ khiến cho lượng tiền được bơm ra lưu thông nhiều hơn lượng hàng hoá, mức lạm phát sẽ tăng lên tương ứng với lượng tiền thừa so với giá trị hàng hoá. Dự báo của ngân hàng Thế giới cho rằng lạm phát toàn cầu đang tăng lên.
Có thể lấy giá vàng và giá dầu làm quy chuẩn. So với cách đây 20 năm, hiện giá vàng đang gấp 40 lần, giá dầu lửa dù đã giảm còn một nửa so với mức đỉnh vài năm trước, nhưng cũng gấp 6 lần cách đây 20 năm. Sự mất giá của đồng tiền chính là lạm phát.
Đặc biệt, thị trường tài chính toàn cầu đang có quy mô rất khủng khiếp khi đạt 330.000 tỷ USD, gấp 5 lần GDP thực toàn cầu là 60.000 tỷ USD. Đây là “quả bom” do đẩy giá tài sản cùng với lạm phát tích tụ nhiều năm qua.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: