TS Nguyễn Trí Hiếu hiến kế giải pháp cấp bách cứu hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động bởi Covid-19 mà Chính phủ chưa cần bỏ ra đồng vốn nào!

29/12/2024
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng phải giữ vững được lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đây là lực lượng chủ yếu để đưa kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19.

Ba gói hỗ trợ lên tới 8% GDP Việt Nam

"Dịch bệnh này là cuộc đai khủng hoảng của thế giới, có thể không so sánh được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây như sụp đổ Xô viết, khủng hoảng tài chính 2008 hay đại khủng hoảng 1930", chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu mở đầu cuộc trao đổi tại Hội nghị trực tuyến "Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn - Thời kỳ hậu Covid-19 ".

Cụ thể ông Hiếu điểm qua những con số tổn thất nặng nề mà thế giới đang hứng chịu bởi Covid-19 như đã có 2 triệu người nhiễm bệnh, 135.000 người chết. Tại Mỹ có hơn 600 nghìn người nhiễm bệnh, 30.000 người chết tính đến ngày 17/4.

Nền kinh tế của quốc gia này cũng chao đảo khi số liệu số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp 22 triệu người chỉ trong 4 tuần. Ông Hiếu cho biết tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở Mỹ là 13,5% trong khi cách đây chỉ 2 tháng Tổng thống Donald Trump tự tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,5% so với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên của các quốc gia vào khoảng 5%.

"Việt Nam may mắn khi số người nhiễm thấp và chưa có trường hợp tử vong, thế nhưng Covid-19 đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam rất mạnh và đặc biệt đối tượng đang chịu thiệt hại là người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ kinh doanh", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định về tác động của Covid-19 tới kinh tế Việt Nam.

Ngay từ ngày đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện Chính phủ đang triển khai 3 gói hỗ trợ lớn tới doanh nghiệp và người dân.

"Tổng cộng số tiền các gói hỗ trợ vào khoảng 550.000 tỷ đồng, chiếm 8%GDP là con số rất lớn. Ở Mỹ gói hỗ trợ là 2.200 tỷ USD chiếm 10%GDP. Việt Nam có gói 8%GDP so với Mỹ ở mức 10% là rất tuyệt vời.

Nhưng chúng ta xem trong những gói đó ai là người thụ hưởng. Liệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài kia thụ hưởng được bao nhiêu trong gói đó ?", ông Hiếu chất vấn.

 TS Nguyễn Trí Hiếu hiến kế giải pháp cấp bách cứu hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động bởi Covid-19 mà Chính phủ chưa cần bỏ ra đồng vốn nào! - Ảnh 1.

Về tín dụng, vào đầu tháng 3, Chính phủ thông báo chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại tham gia cho vay (chứ không phải từ ngân sách nhà nước). Sau đó ít lâu, NHNN cho biết gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia, và gần đây Thủ tướng cho biết hiện gói tín dụng của các ngân hàng đã lên tới 300.000 tỷ đồng.

Ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên 600.000 tỷ đồng không chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân.

Với quy mô lên tới 600.000 tỷ đồng nhưng ông Hiếu đặt ra câu hỏi rằng: liệu ai hay doanh nghiệp nào sẽ được vay trong gói này. Có phải là những doanh nghiệp hộ kinh doanh đang lao đao trong dịch bệnh, hay lại là những khách hàng VIP của ngân hàng, những công ty lớn, những đại công ty, những doanh nghiệp có vốn nhà nước.

"Tôi nghĩ Ngân hàng nhà nước nên có thông tin để chúng ta biết được ai là người đang được hưởng gói này. Tôi nghĩ rằng những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Mỗi ngày tôi nhận được điện thoại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu ca rằng đến hỏi ngân hàng mà nhiều ngân hàng nói rằng chúng tôi chưa có hướng dẫn, đang chờ hướng dẫn.

Nhiều ngân hàng khác thì nói rằng hiện tại chúng tôi chưa thể cho vay được vì không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp đang đóng cửa một phần nào đó, chúng tôi rất tiếc không thể cho vay", vị tiến sỹ bày tỏ thực tế ông đang nhận được phản ánh thực tế từ các doanh nghiệp.

Về gói tài khóa 180.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đưa ra. Cụ thể là từ đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các doanh nghiệp đang gặp phải, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN với nội dung gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu bây giờ họ đang lao đao thế này thì có hoãn thế hay miễn thuế đối với họ nghe thì vui tai thôi nhưng so với sự sống còn của họ thì... Hai tuần lễ nữa nếu bệnh dịch tiếp tục tôi nghĩ rất nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận về gói tài khóa.

Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, con số 62.000 tỷ đồng là quá ít.

Làm sao để cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Lấy dẫn chứng số liệu từ VCCI cách đây không lâu cho thấy đã có 35.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ trong 3 tháng đầu năm. Ông Hiếu cho rằng con số này hiện đã tăng gấp đôi. Thực tế nếu chúng ta đi ngoài phố sẽ thấy 80% các cửa tiệm đóng cửa.

"Tôi nghĩ cứ thế này bao nhiêu ngàn doanh nghiệp sẽ lao đao khốn khó. Thế thì gói nào cho những doanh nghiệp đó? Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần một gói riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và phải ở mức độ ít nhất 2% GDP lên khoảng 150.000 tỷ đồng", ông Hiếu đề xuất quan điểm.

Về gói này ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp cho họ vay có thể qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng thương mại nếu cho vay mà doanh nghiệp không trả được thì quỹ bồi thường cho các ngân hàng.

"Hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, chính phủ chưa phải bỏ ra đồng nào cả. Quỹ bảo lãnh tín dụng đó mới bảo lãnh thôi, chỉ khi nào bồi thường thì Chính phủ mới phải bỏ tiền ngân sách ra bồi thường. Còn bây giờ hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, dùng uy tín của Chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng và các ngân hàng dùng tiền của mình để cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tôi đề nghị nếu có món vay nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy cho họ vay và có thời gian ân xá một năm cả gốc và lãi để khi nền kinh tế hồi phục rồi bây giờ sẽ có chương trình trả nợ", ông Hiếu đề xuất giải pháp cấp bách.

 TS Nguyễn Trí Hiếu hiến kế giải pháp cấp bách cứu hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động bởi Covid-19 mà Chính phủ chưa cần bỏ ra đồng vốn nào! - Ảnh 2.

Ngoài việc đề nghị gói tín dụng riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên gia này còn đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước nên xem xét để xây dựng, thành lập một ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Hiếu, một ngân hàng như thế rất quan trọng tại thời điểm này, bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài kia chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam.

"Nếu để cho các doanh nghiệp đó rời bỏ, sập tiệm, sụp đổ, mất đi khỏi thị trường, đến khi chúng ta qua khỏi dịch bệnh này cần vực dậy nền kinh tế thì lực lượng đó đã mất rồi. Hãy giúp họ, duy trì sự sống của họ", ông Hiếu chia sẻ độ cấp thiết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, ông Hiều thẳng thắn cho rằng không thể dựa quá nhiều vào ngân hàng thương mại vì ngân hàng thương mại cũng là người kinh doanh, làm vì lợi nhuận.

"Các ngân hàng thương mại không phải là ra ngoài xã hội để làm công tác từ thiện. Không ai làm như thế. Họ không thể cho vay dưới giá vốn của họ là lãi suất huy động được. Lãi suất huy động hiện 7-8% họ không thể cho vay dưới mức đó được, họ không thể lỗ được, khi lỗ họ có thể bị xử lý pháp luật, chứ đừng nói trách nhiệm của họ với xã hội", ông Hiếu cho biết.

Ông cho rằng không thể trông chờ quá nhiều vào các ngân hàng thương mại, dĩ nhiên họ có chương trình nhưng phải có một ngân hàng chính sách ngoài Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp, phải có ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đó phải có một ngân hàng như vậy tại thời điểm này để khi Việt Nam qua được dịch bệnh chúng ta còn giữ vững được lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ - cũng là lực lượng chủ yếu để đưa kinh tế hồi phục.

 TS Nguyễn Trí Hiếu hiến kế giải pháp cấp bách cứu hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động bởi Covid-19 mà Chính phủ chưa cần bỏ ra đồng vốn nào! - Ảnh 3.

Nguồn: