TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một giai đoạn kinh tế tạo đà cho tín dụng đen hoành hành

15/12/2024
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cả nền kinh tế đang bị đẩy vào tình cảnh rất "éo le", ngân hàng có tiền nhưng không thể cho vay, tín dụng tăng trưởng thấp và đặc biệt là tạo dự địa cho tín dụng đen hoành hành.

Gần đây, tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp năm 2020, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ đề xuất, để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên áp trần lãi suất huy động ở mức 5%/năm và luỹ tiến thêm 0,5% cho năm tiếp theo. "Như vậy mới có nguồn vốn giá rẻ để các ngân hàng thương mại cho vay doanh nghiệp với lãi suất thấp", ông Hồng Anh nói.

Trước ý kiến nêu trên của Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ có nhiều ý kiến trái chiều. Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng về vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một giai đoạn kinh tế tạo đà cho tín dụng đen hoành hành - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng


Ông nghĩ sao về đề xuất áp trần lãi suất huy động 1 năm với ở mức 5%/năm và luỹ tiến thêm 0,5% cho năm tiếp theo? Liệu quy định này có giúp hạ lãi suất cho vay hiệu quả?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi đó là đề xuất không hợp lý và đi ngược lại nguyên tắc thị trường.

Thực tế trước đây Việt Nam đã áp dụng quy định trần lãi suất nhưng rồi phải huỷ bỏ để lãi suất hoạt động theo cơ chế thị trường và chỉ áp trần cho 6 tháng (hiện nay là 4,75%/năm).

Tôi từng đề xuất nên bỏ cả trần lãi suất 6 tháng để công cụ này thực sự mang tính thị trường và để thị trường quyết định. Có thể nói đề xuất trên là đi ngược lại dòng thời gian và vô lý.

Đúng là chúng ta có thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để áp trần lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Nhưng như vậy sẽ làm méo mó thị trường và cái nhìn thấy trước được là khách hàng có thể sẽ ồ ạt tới rút tiền ra khỏi ngân hàng và đầu tư vào các kênh khác.

Lãi suất là mức giá ổn định khi cung cầu gặp nhau. Với việc áp trần lãi suất, thay vì để cung cầu gặp nhau thì chúng ta áp một mức giá cố định. Nó sẽ làm lệnh lạc cung cầu, vì có lúc nguồn cầu lớn hơn cung hoặc ngược lại cung lớn hơn cầu nên không thể có mức giá cổ định.

Chúng ta có thể hiểu được lý do doanh nghiệp đề xuất quy định trên để giảm chi phí vốn. Tuy nhiên, rất có thể khi áp dụng sẽ xảy ra phản ứng ngược, ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế.

Vậy theo ông từ nay tới cuối năm còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như trên đã phân tích, giảm được thêm lãi suất hay không còn tùy thuộc nhiều vào yếu tố cung cầu vốn của nền kinh tế.

Nếu cầu tín dụng xuống thấp, ngân hàng không có nhu cầu huy động vốn lớn thì lãi suất có thể giảm, nhưng ngược lại nếu cầu tín dụng tăng cao, doanh nghiệp cần nhiều vốn, ngân hàng phải tăng huy động thì lãi suất sẽ lại tăng.

Đặc biệt nữa là lãi suất còn phụ thuộc vào yếu tố lạm phát. Lạm phát phải thấp thì mới có thể hạ lãi suất, còn nếu lạm phát cao ở mức 7-8% thì chắc chắn lãi suất khó có dư địa để xuống thấp.

Riêng trong năm nay và thời điểm hiện tại, có 2 yếu tố tác động lên lãi suất. Một là nhu cầu vay vốn hiện đang rất cao của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại không muốn hạ chuẩn cho vay và các ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay. Nhu cầu vay cao nhưng số doanh nghiệp được vay lại rất ít và ngày càng ít hơn trong giai đoạn khủng hoảng. Đó là lực đẩy tín dụng xuống và lãi suất duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt, có thể thời gian tới các ngân hàng sẽ mạnh tay hơn trong cho vay, như vậy lãi suất có thể tăng lên. Và nếu Việt Nam có thể tuyên bố hết dịch, nền kinh tế hoạt động lại bình thường trở lại thì lãi suất sẽ tăng cao hơn nữa. Còn ngược lại nếu tình dịch dịch bệnh xấu đi thì ngân hàng sẽ lại "co mình lại" vì lo ngại nợ xấu, lãi suất sẽ giảm.

Nói vậy là cung cầu tín dụng đang không gặp nhau? Làm sao giải bài toán doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để cân bằng ở thời điểm này là rất khó.

Các doanh nghiệp ngày càng khó khăn, nhu cầu vốn cao, nhưng ngân hàng không thể cho vay vì có thể sẽ "chết" theo. Ngân hàng không giúp thì chỉ còn "bàn tay" của Nhà nước. Tôi từng đề xuất một nguồn để bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp lấy từ ngân sách.

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đã tồn tại, đang hoạt động tại các địa phương. Nhưng các quỹ bảo lãnh tín dụng này có quy mô rất nhỏ, dẫn tới hoạt động èo uột và bản thân các ngân hàng cũng không dám cho vay khi nhìn vào số vốn được cấp của các quỹ bảo lãnh này. Chính vì thế việc dùng ngân sách để nâng cấp hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng là rất quan trọng hiện nay, để giúp các doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực.

Một nguồn nữa cũng đang được "ưa chuộng" là tín dụng đen. Tôi được biết, tín dụng đen đang hoành hành tại các địa phương khi ngày càng có nhiều người mất việc, giảm thu nhập và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại, khi cả nền kinh tế rơi vào tình cảnh éo le, ngân hàng có tiền nhưng không dám cho vay, còn doanh nghiệp thì "chờ chết". Điều này đã tạo dư địa cho tín dụng đen phát triển, hoành hành khắp nơi.

Các công ty tín dụng đen hiện hoạt động rất đa dạng theo nhiều hình thức khác nhau, cả online và trực tiếp. Họ thường lợi dụng những doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản để liên tục cho vay, sau đó chiếm đoạt tài sản với mức lãi suất cắt cổ và cuối cùng là khách hàng tán gia bại sản.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: