Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam, bà đánh giá thế nào về điều này?
Thói quen số và tốc độ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã có ở Việt Nam trước, đại dịch Covid-19 chỉ thúc đẩy và thay đổi thói quen sống của chúng ta do phải thực hiện các lệnh giãn cách xã hội và thúc đẩy công nghệ thanh toán không tiếp xúc được sử dụng nhiều hơn trong hoạt động hàng ngày.
Năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, với tổng giá trị gần 84,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Chi tiêu cho thương mại điện tử từ đó đạt được đà tăng trưởng và đại dịch đã chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân trong thanh toán không dùng tiền mặt. Thay vì chỉ đơn giản áp dụng các công nghệ thanh toán mới, người tiêu dùng chủ động thay đổi phương thức thanh toán đảm bảo cho sự an toàn cá nhân, bảo mật và tiện lợi.
Chỉ số thanh toán mới của Mastercard cho thấy, 94% người tiêu dùng các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán di động như mã QR, ví điện tử, sinh trắc học…
Mã QR không phải là công nghệ mới nhưng đang thống lĩnh thị trường. Giữa đại dịch, tất cả đều sử dụng mã QR theo những cách mới mẻ và đa dạng như: truy vết tiếp xúc, khai báo y tế, thanh toán... Đây là cơ hội cho phát triển hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và không tốn kém.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang tiến tới một nền kinh tế kỹ thuật số, nơi mọi người dân sẽ có nhận dạng kỹ thuật số với mã QR vào năm 2025. Hiện tại, 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, phương thức thanh toán QR có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Mã QR, sinh trắc học, ví điện tử sẽ có xu hướng gia tăng khi người dùng ngày càng hiểu rõ và thoải mái khi sử dụng những công nghệ này, từ đó giảm sử dụng tiền mặt.
Ở Việt Nam, hàng năm thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng so với chính nó trên 100%, nhưng tỷ trọng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn, theo bà làm sao cải thiện điều này?
Đúng thế! Trong khi một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam rất hào hứng với các phương thức mới, vẫn còn nhiều người dân có xu hướng phụ thuộc vào tiền mặt, đặc biệt là cho các giao dịch hàng ngày có giá trị thấp, ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực ASEAN. Năm 2019, hơn 90% các giao dịch mua hàng trực tuyến vẫn được thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.
Tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số, và đại dịch đang đẩy nhanh bước tiến vào thế giới số, với lối sống và tư duy ưu tiên kỹ thuật số của người tiêu dùng.
Tuy vậy, sẽ cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng với thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ hội thanh toán không dùng tiền mặt phải được truyền thông để người tiêu dùng thấy được sự tiện lợi, hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà rộng lớn hơn nhiều.
Cơ hội thanh toán số còn đến với người bán, tương lai mua sắm thanh toán hoàn toàn số hóa sẽ mang lại một hành trình liền mạch cho người tiêu dùng, dịch vụ nhanh chóng và giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên.
Ngoài ra, với sự năng động của các công ty công nghệ tài chính (fintech), đang có sự thu hẹp khoảng cách giữa người không có tài khoản ngân hàng với người có tài khoản ngân hàng khi tham gia vào nền kinh tế số. Việc Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy các dịch vụ thanh toán mới như mobile money, ví điện tử, ứng dụng di động... sẽ mở ra cơ hội cải thiện hạ tầng tài chính.
Chúng tôi nhận thấy những thay đổi được thực hiện để tích hợp thanh toán điện tử vào các dịch vụ của Chính phủ, như thanh toán tiện ích, giải ngân quỹ an sinh xã hội và lương hưu. Cùng với tỷ lệ sử dụng internet và sự phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử, ví điện tử, thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi do đại dịch đã dẫn đến sự ra đời của một thị trường thanh toán kỹ thuật số sôi động.
Với tất cả những dữ liệu này, chúng ta có thể kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ có tốc độ chuyển đổi từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt nhanh hơn trong vài năm tới.
Nguồn: