Tỷ lệ an toàn vốn Agribank nằm sâu dưới chuẩn

23/11/2024
Kết thúc năm 2019, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến, nhưng tỷ lệ an toàn vốn nằm sâu dưới chuẩn mới theo Basel II.

Lợi nhuận năm 2019 tăng 82,8%

Là ngân hàng có 100% vốn Nhà nước, nên kết quả kinh doanh của Agribank thường được công bố muộn hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần. Và mới đây, một số kết quả kinh doanh năm 2019 của ngân hàng đã được hé lộ.

Cụ thể, đến 31/12/2019, tổng tài sản của Agribank đạt 1 triệu 451 nghìn tỷ đồng, tăng 169,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, dư nợ cho vay đạt hơn 1 triệu 150 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm trước.

Ngân hàng tiếp tục tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn với tỷ trọng duy trì khoảng 70% trên tổng dư nợ.

Hoạt động tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức 1,52%, thấp hơn con số toàn hệ thống là 1,63%.

Tổng nguồn vốn đến cuối năm 2019 đạt 1 triệu 351 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với thời điểm 31/12/2018.

Nhờ năng lực tài chính được cải thiện, chất lượng quản trị điều hành được nâng cao và việc xử lý nợ xấu đạt kết quả như trên nên kết quả kinh doanh của Agribank những năm gần đây có những cải thiện rõ rét.

Theo đó, kết thúc năm 2019, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 13.804 tỷ đồng, tăng trưởng tới 82,8% so với kết quả đạt được năm trước. ROE đạt 17,6% trong khi ROA đạt 0,81% cuối năm 2019.

CAR nằm sâu dưới chuẩn, đề xuất tăng vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng

Dù kết quả kinh doanh liên tục có những bước tiến khả quan, nhưng trong nhiều năm qua tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank lại bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thời điểm cuối năm 2019 chỉ đạt 9,2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (từ 12% đến 13%).

Đến thời điểm 31/3/2020, hệ số CAR của ngân hàng vẫn ở mức 9,2% và đã sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%).

Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016, CAR thời điểm 31/12/2019 của ngân hàng chỉ đạt 7,3%, thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9%, không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.

Theo đó, để đảm bảo đáp ứng quy định tại Thông tư 22, đồng thời, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 11% trong năm 2020, dự kiến trong năm nay, Agribank sẽ cần bổ sung lượng vốn khoảng 12.500 tỷ đồng.

Trường hợp phát hành thành công tối đa 9.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2, số vốn thiếu hụt cần được bù đắp bằng vốn điều lệ bổ sung là 3.500 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết số 70/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 ban hành ngày 14/5/2020, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa 3.500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế, phù hợp với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; đồng thời, đáp ứng được tỷ lệ bảo đảm an toàn của Agribank nói riêng và an toàn hệ thống tài chính quốc gia nói chung, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ có tính lan tỏa cao, tăng dư nợ tín dụng cho khách hàng, nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần hỗ trợ kịp thời hệ thống ngân hàng trong việc giảm tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 đối với các đối tượng yếu thế, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế-xã hội.

Nguồn: