Báo cáo của S&P Global Rating cho biết tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng lên trên 6% nếu dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra vẫn chưa chấm dứt.
Nhà phân tích tín dụng Ming Tan của S&P Global Rating nhận định: "Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của toàn hệ thống có thể tăng lên trên 6% nếu tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu này vẫn tiếp diễn."
"Nếu điều này xảy ra, dự phòng rủi ro có thể giảm từ 188% xuống còn 55%. Và giả sử các ngân hàng thực hiện dự phòng 100% với những khoản nợ xấu mới này - ước tính khoảng 798 tỷ USD (5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ) - thì vẫn sẽ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ lệ an toàn vốn của toàn ngành ngân hàng", ông Tan nói thêm.
Mức độ nghiêm trọng này sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ có thể ổn định tình hình nhanh chóng như thế nào và hiệu quả từ các biện pháp được thực hiện để làm dịu các tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Mặt khác, điều này cũng có thể giúp các cơ quan quản lý tài chính xác nhận và hiệu chỉnh các mô hình kiểm định rủi ro tín dụng.
GDP của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng tùy thuộc vào mức độ lây lan của virus Corona và sự gián đoạn mà nó gây ra đối với các hoạt động kinh tế. Báo cáo của S&P Global Rating trích dẫn các số liệu trong quá khứ cho thấy, mặc dù GDP thực tế hàng quý của Trung Quốc đã giảm 1,7 điểm phần trăm trong hai quý ngay sau khi bùng phát đại dịch SARS năm 2003 nhưng trong các quý tiếp theo, các hoạt động kinh tế tại quốc gia này đã phục hồi mạnh mẽ.
Các phân tích của S&P Global Rating cũng chỉ ra rằng, dịch bệnh do virus Corona hiện tại đã lan rộng hơn, tác động của virus mới này tới nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng Trung Quốc nói riêng có thể sẽ tồi tệ hơn, nếu nó không được ngăn chặn sớm.
Mặc dù ngành ngân hàng và nền kinh tế Trung Quốc ngày nay được cho là mạnh hơn nhiều so với năm 2003 và đang ở trong thời kỳ tài chính ổn định đủ để đối phó với những thách thức lớn nhưng S&P chỉ ra rằng, đại dịch SARS xảy ra khi kinh tế Trung Quốc có nhiều động lực phát triển nhờ vào việc gia nhập WTO vào năm 2001. Do vậy, nền kinh tế nước này có thể phục hồi sau đại dịch nhanh hơn so với việc không gia nhập WTO.
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, đặc biệt là những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài trong suốt 2 năm qua. Điều này có thể làm chậm lại sự phục hồi của các hoạt động kinh tế và đem đến nhiều tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng.
Tham khảo: Asian Banking & Finance
Nguồn: